Đòi hỏi khách quan, cấp thiết
Doanh nghiệp nhà nước có vị trí, vai trò quan trọng nhưng thực tế 'định vị' này chưa tương xứng với tiềm lực, nguồn lực. Và trong bối cảnh nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là đòi hỏi khách quan, cấp thiết.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, cả nước có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Đến đầu năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt 1,8 triệu tỷ đồng; tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp là gần 1,7 triệu tỷ đồng.
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 của 605/676 doanh nghiệp cho thấy, tổng doanh thu đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước là hơn 166 nghìn tỷ đồng. Nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là hơn 60 nghìn tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch phê duyệt…
Nếu so sánh về số lượng, các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động, nhưng đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước tương ứng khoảng 29% GDP của cả nước. Dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Rõ nét nhất là dù được hưởng nhiều ưu đãi, nắm giữ nguồn lực, tài sản lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh, nhất là cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa đạt kết quả rõ nét.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế này được cho là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước dù đã được rà soát và hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư, quản lý tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu chưa đồng bộ, còn kẽ hở. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn vẫn chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước mắt, để giải quyết những tồn tại, hạn chế này có ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng là phải hình thành được cơ chế người ủy quyền, người điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước làm gì cũng phải đi xin, gây lỡ thời cơ kinh doanh. Ngoài ra, cần có cơ chế thích hợp để tách bạch nhiệm vụ chính trị - xã hội với nhiệm vụ kinh tế cho doanh nghiệp nhà nước…
Căn cơ và bền vững là cần thiết phải ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và các cam kết quốc tế mà nước ta đã tham gia ký kết. Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.
Bởi như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sáng qua, 23.11, thì cách thức hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và quy luật cạnh tranh. Việc can thiệp bằng biện pháp hành chính vào doanh nghiệp nhà nước làm méo mó thị trường và trái với quy luật, tư duy phát triển của nền kinh tế…