TPHCM và Đồng Nai thống nhất xây dựng 3 cây cầu kết nối hai địa phương
TPHCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất triển khai đầu tư xây dựng 3 cây cầu vượt sông Đồng Nai, nhằm tăng cường kết nối giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông TPHCM.
Ngày 26-4, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, liên quan đến hạ tầng kết nối giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai, hai bên đã thống nhất triển khai đầu tư xây dựng 3 cây cầu vượt sông Đồng Nai, nhằm tăng cường kết nối giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xây cầu Cát Lái giúp giảm áp lực giao thông đường Đồng Văn Cống. Ảnh: QUỐC HÙNG
Theo đó, ba dự án gồm: cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2. Trong đó, dự án cầu Cát Lái được xem là cấp thiết nhất. Tỉnh Đồng Nai đề nghị TPHCM sớm cân đối nguồn vốn để triển khai giải phóng mặt bằng phía TPHCM, đồng thời điều chỉnh hướng tuyến đường Nguyễn Thị Định, tạo thuận lợi cho việc xây dựng cầu dây văng. Tỉnh Đồng Nai sẽ bố trí vốn và các thủ tục liên quan để triển khai xây dựng cầu theo hình thức BOT, với mục tiêu khởi công vào cuối năm 2025.
Đối với cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2, hai địa phương thống nhất tiếp tục cập nhật quy hoạch, nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp và phấn đấu triển khai từ năm 2026. Những dự án này không chỉ tăng cường liên kết vùng mà còn hỗ trợ trực tiếp các dự án đô thị lớn, hình thành khu đô thị vệ tinh phía Đông TPHCM.
Ngoài ra, hai bên cũng bàn bạc về các dự án giao thông trọng điểm khác như kéo dài tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, phấn đấu khởi công đầu năm 2026; đồng thời đề xuất TPHCM làm cơ quan chủ quản dự án tuyến đường sắt kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành.
Tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm giữa TPHCM và Đồng Nai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án. Lãnh đạo hai địa phương cũng giao Sở Xây dựng Đồng Nai phối hợp với Sở Giao thông Công chánh TPHCM rà soát, bổ sung quy hoạch bến bãi và kêu gọi các nhà đầu tư khai thác vận tải đường thủy nội địa kết nối hai địa phương.
Các dự án cầu, đường sắt và metro khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tải giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự liên kết vùng Đông Nam bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.