Đổi đời nhờ nghề may đồng phục học sinh

Mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình, người phụ nữ ở vùng quê Quảng Ngãi đổi đời nhờ nghề may đồng phục học sinh.

Bà Dung (45 tuổi) phất lên nhờ nghề may đồng phục học sinh.

Bà Dung (45 tuổi) phất lên nhờ nghề may đồng phục học sinh.

Trừ các khoản chi phí, hàng tháng bà Lê Thị Thùy Dung ở xã Tịnh Đông (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) lãi hàng chục triệu đồng từ nhà may của mình. Câu chuyện vươn lên của bà Dung là thành quả xứng đáng từ việc dám nghĩ, dám làm. Qua đó, truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ ở làng quê.

Xóa bỏ lối mòn, tìm hướng đi mới

Khởi đầu từ tiệm may nhỏ ở quê, nay bà Dung đã gây dựng được một cơ sở chuyên may đồng phục học sinh, hoạt động hiệu quả.

Vào dịp hè cũng là lúc bà và các nhân công tất bật nhất, cố gắng hoàn thành các đơn hàng để kịp phục vụ cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.

 Quy mô nhà may của bà Dung thuộc top lớn nhất nhì xã.

Quy mô nhà may của bà Dung thuộc top lớn nhất nhì xã.

Kể về cơ duyên đến với nghề may, bà Dung cho biết, bà sinh ra trong một gia đình khó khăn, đông con. Sau khi học xong cấp 2, bà xuống TP Quảng Ngãi để học nghề.

Cô gái chưa tròn đôi mươi khi ấy quyết định chọn nghề may để lập thân, lập nghiệp. Sau đó, trở về quê mở một tiệm may nhỏ tại nhà với mong muốn miếng nghề sẽ nuôi được thân và lo cho gia đình.

Bà Dung nhớ lại, khoảng thời gian những ngày đầu lập nghiệp cách đây 27 năm là muôn vàn khó khăn. Tay nghề còn hạn chế cùng với sự cạnh tranh của những tiệm may lâu đời nên khách hàng rất ít.

Không nhục chí, ngược lại cô gái khi ấy luôn đau đáu với việc đi tìm được lợi thế cạnh tranh của mình hướng đến thị trường tiềm năng. Quyết tâm tìm tòi cùng với tinh thần không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, người phụ nữ xác định chỉ có đón đầu xu hướng thì mới tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng.

Từ đó, tiệm may của bà đem đến nhiều mẫu mã phong phú từ váy, đầm, áo sơ mi, áo gió cho đến đồng phục của các tổ chức, đơn vị, trường học… và được sự chấp nhận của khách hàng.

Tiếng lành đồn xa, nhờ sự sáng tạo và chuyên nghiệp của bản thân, bà Dung đã có nhiều mối khách hàng thân thiết gần xa. Tin vui rồi cũng đến, những hợp đồng may đồng phục cho học sinh ở các trường trong tỉnh, đơn hàng từ tiểu thương kinh doanh quần áo tại các chợ truyền thống cứ thế tìm đến bà Dung.

Nhận thấy quy mô của tiệm may đã không còn đáp ứng nỗi những đơn hàng ngày một nhiều, bà Dung mạnh dạn vay vốn mở rộng cơ sở, nhập thêm máy máy hiện đại và tuyển thêm nhân công làm việc.

Kết quả cho sự quyết đoán, ngày nay bà đã xây dựng được nhà may chuyên nghiệp chuyên may đồng phục học sinh với doanh thu có tháng đạt hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ về tính kỷ luật để đi đến thành công, người phụ nữ nói, một phần nhờ luôn nắm rõ ý nghĩa của từng loại trang phục mình may. "Đồng phục học sinh không chỉ mang lại vẻ đẹp cho các em mà còn góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh của trường. Tạo sự đoàn kết, gần gũi, thân thiết trong học sinh và nhà trường.

Bên cạnh các mẫu theo số đông, nhiều trường còn đặt may theo bản sắc, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, đòi hỏi người thợ may phải thích nghi và sáng tạo thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu", bà Dung cho hay.

Cũng theo bà chủ này, trước sự cạnh tranh của ngành công nghiệp may mặc, bà cần phải nỗ lực hơn nữa để cơ sở có chỗ đứng vững chắc. Với bà, điều cần chú trọng trọng nhất vẫn là chất liệu vải và đường may phải đảm bảo mới tạo được uy tín cho sản phẩm trên thị trường.

 Những sản phẩm may mặc của cơ sở bà Dung đạt độ hoàn thiện cũng như thẩm mỹ cao.

Những sản phẩm may mặc của cơ sở bà Dung đạt độ hoàn thiện cũng như thẩm mỹ cao.

Cứu cánh cho nhiều phụ nữ

Những nỗ lực của bà đã giúp kinh tế gia đình được cải thiện và góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Thấu hiểu với những hoàn cảnh yếu thế, bà luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm, dạy nghề cho nhiều phụ nữ có nhu cầu làm việc. Trong số đó, có chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (35 tuổi), người cùng xã.

Chồng chị Hằng mang bệnh nặng suốt 12 năm qua. Một mình chị phải gồng gánh cả gia đình, vừa lo cho chồng bệnh tật và con nhỏ, cuộc sống gia đình hiện tại rất khó khăn.

Thấy vậy, bà Dung liền đã tạo điều kiện để chị Hằng vào làm việc, giúp chị có thu nhập ổn định, vừa gần nhà lại thuận tiện trong việc chăm sóc chồng và đưa con đi học.

Từ việc kinh doanh có hiệu quả của nhà may, bà Dung đã tạo công ăn việc làm cho khoảng gần chục lao động có làm việc thường xuyên, với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng.

Theo bà Trương Thị Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Đông, dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả trong quá trình phát triển nhà may, nhưng với ý chí và quyết tâm của bản thân, bà Dung đã gầy dựng được cơ ngơi vững chãi; giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn và góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Bên cạnh đó, bà còn đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, đưa phong trào của phụ nữ ở xã ngày càng phát triển đi lên. Những cố gắng của bà đã và đang góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay; xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ địa phương học tập và làm theo.

Trần Tươi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-doi-nho-nghe-may-dong-phuc-hoc-sinh-post691418.html
Zalo