Đội Biệt động Thủ Dầu Một - trang sử hào hùng

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thiên hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong khúc ca khải hoàn mùa xuân đại thắng cách đây 50 năm, có một lực lượng tuy âm thầm lặng lẽ nhưng đã lập nên những chiến công vô cùng to lớn, đi vào huyền thoại của quân đội ta, đó là lực lượng biệt động nói chung trong đó có Đội Biệt động thị xã Thủ Dầu Một - một thời vang danh chiến trường miền Đông.

Từ bão táp Mậu Thân 1968…

Hiệp định Giơ-ne-vơ ký chưa ráo mực, Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai với mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài. Chúng không ngần ngại thực hiện nhiều thủ đoạn hết sức dã man để đàn áp phong trào cách mạng, đàn áp người vô tội. Quê hương miền Nam ngày ấy chìm trong khói lửa điêu tàn. Hòa chung trong ngọn lửa đấu tranh của toàn Nam bộ, tại địa bàn Thủ Dầu Một nhân dân nhất tề đứng lên đòi hòa bình. Để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân và phá thế bao vây kìm kẹp của địch, thực tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng đặc biệt luồn sâu, đánh hiểm, xuất quỷ nhập thần giáng vào đầu não quân thù những đòn chí mạng. Trước yêu cầu của chiến trường, đầu năm 1963 Đội Biệt động Thủ Dầu Một chính thức ra đời với quân số ban đầu chỉ 12 chiến sĩ mang trong lòng sự căm thù giặc sâu sắc.

Nhà việc Phú Cường (nay là Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một) nơi nhiều lần bị Đội Biệt động Thủ Dầu Một tập kích

Ông Nguyễn Văn Quỳ (Tư Quỳ), nguyên Đội trưởng Đội Biệt động Thủ Dầu Một trong một lần trao đổi với chúng tôi cho biết từ năm 1962 đến đầu năm 1963, trên toàn tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành (nay thuộc tỉnh Bình Dương), địch đã hình thành nhiều ấp chiến lược để gom dân nhằm tách lực lượng quần chúng và lực lượng cách mạng không cho tiếp xúc với nhau, hòng kìm kẹp, khống chế và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Bởi địch xác định bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược là “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Trong suốt 13 năm (1963-1975) xây dựng và chiến đấu, Đội Biệt động thị xã Thủ Dầu Một đãđánh hơn 300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.350 tên địch, thu hàng trăm súng các loại, phá hủy nhiều công trình quan trọng của địch. Đội Biệt động thị xã Thủ Dầu Một đã vinh dự được Chủtịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ...

Với lòng anh dũng vô song, mưu trí tuyệt vời cùng lối đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, ngay từ khi ra đời, Đội Biệt động Thủ Dầu Một đã gây cho địch bao nỗi hoang mang khiếp đảm. Nhiều trận đánh liên tục diễn ra, trong đó phải kể đến trận đánh vào Nhà việc Phú Cường năm 1965. Đúng 7 giờ 25 phút ngày 10- 2-1965, lực lượng Biệt động Thủ Dầu Một cùng Đặc công huyện Bến Cát bất ngờ nổ súng tấn công vào đồn địch. Chỉ trong 10 phút chiến đấu, quân ta đã đánh sập một góc Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 92 tên địch. Trung đội dân vệ gác Ty Thông tin chỉ còn 4 tên chạy thoát. Quân ta tất cả đều an toàn, chỉ có một đồng chí bị thương nhẹ. Trận đánh Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin ngụy ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ Thủ Dầu Một đã gây chấn động lớn. Sau trận đánh quân địch không dám manh động, tạo điều kiện tích cực cho quần chúng trong nội ô thị xã đấu tranh nới lỏng sự kìm kẹp của địch.

… Đến Đại thắng mùa Xuân 1975

Sau thất bại trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, mặc dù đã bị mất quyền chủ động về chiến lược nhưng Mỹ vẫn ngoan cố đưa thêm quân vào miền Nam tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Mậu Thân 1968 - mùa xuân xuống đường lại đến. Rừng chiến khu dậy tiếng quân reo. Tất cả cùng xung trận diệt thù. Theo kế hoạch, Đội Biệt động Thủ Dầu Một được giao tấn công Tòa hành chính và Dinh Tỉnh trưởng ngụy từ hướng Bắc.

Giờ G đã điểm, trong thời khắc giao thừa, toàn đội chia làm hai mũi tiến vào mục tiêu. Trên đường hành quân đến bốt Giếng Máy, mũi một bị địch phát hiện, ta phải hành quân về hướng nhà thờ chánh tòa, từ đây tổ chức đánh chiếm tòa hành chính. Khi phát hiện quân ta, địch sử dụng hỏa lực bắn chặn. Đội trưởng Tư Quỳ ra lệnh dùng B40 bắn áp chế vào hỏa lực địch, tạo cơ hội để đồng đội vượt qua làn đạn tiếp cận nhanh tòa hành chính. Cuộc chiến ở đây diễn ra giằng co và vô cùng ác liệt. Cũng trong thời gian này, lực lượng mũi hai của đội biệt động từ truông Bồng Bông hành quân vượt qua suối Giữa xuống ấp Chánh Lộc, băng qua đường Ngô Quyền, tấn công vào mục tiêu Dinh Tỉnh trưởng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra giành giật quyết liệt. Đến 10 giờ sáng ngày mùng 2 tết, tức ngày 30-1-1968, địch điều động xe tăng từ Gò Đậu lên phản kích, kết hợp với máy bay trực thăng bắn phá dữ dội vào bộ đội ta. Trong tình thế bất lợi, quân ta được lệnh rút lui để củng cố lực lượng..

Ông Nguyễn Văn Quỳ (Tư Quỳ), nguyên Đội trưởng Đội Biệt động thị xã Thủ Dầu Một, nguyên Trưởng ban Quân báo thị xã Thủ Dầu Một nhớ về những năm tháng hào hùng của Đội Biệt động thị xã Thủ Dầu Một

Mùa Xuân năm 1975, hòa chung trong khí thế tiến công thần tốc của quân ta trên toàn miền Nam, tại Thủ Dầu Một, rạng sáng ngày 30-4, các cánh quân của ta bắt đầu xuất phát tiến về thị xã với một tinh thần quyết tâm, phấn khởi chưa từng thấy. Giai đoạn này lực lượng biệt động Thủ Dầu Một đã sáp nhập cùng các đơn vị vũ trang thị xã làm nòng cốt, phối hợp với các lực lượng khác vận động hướng dẫn quần chúng nổi dậy. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một đã kết hợp chiến đấu đánh chiếm các mục tiêu và phát động quần chúng nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ.

Mọi người vừa đi vừa chạy, xốc tới mục tiêu mà không hề do dự… Các cánh quân ở Thủ Dầu Một tiến công thuận lợi, do ta đã xây dựng các cơ sở mật từ trước, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của quần chúng nhân dân vùng lên khởi nghĩa nên địch nhanh chóng tan rã. Khi quân ta tiến vào mục tiêu thứ nhất là ấp Chánh Thành và bốt Nhị Tỳ, trước khí thế của ta, quân địch buộc phải buông súng đầu hàng. Riêng mục tiêu thứ hai, quân địch chống cự nên ta phải tiêu diệt và sau đó nhanh chóng tiến vào mục tiêu thứ ba bức hàng quân lính ở đây và cắm cờ giải phóng lên Nhà việc Phú Cường.

Ở cánh quân hướng tây, sáng ngày 30-4 quân ta triển khai đội hình đánh vào mục tiêu ấp Mỹ Hảo, Chánh Lộc và phát triển đánh vào thành Công binh ngụy. Đây là những mục tiêu nằm trong khu vực phòng thủ kiên cố của địch, có sông Sài Gòn bao quanh hiểm trở. Do tính chất ác liệt như vậy nên từ năm 1962 trở đi, ta đã quyết tâm xây dựng được hai cơ sở mật ở ấp Mỹ Hảo. Do đó, khi cánh quân phía tây tiến vào giải phóng thị xã, các cơ sở mật đã cung cấp nhiều thông tin về lực lượng, vũ khí của địch. Nhờ vậy, quân ta đã hoàn toàn nắm thế chủ động tiến công mạnh mẽ vào các mục tiêu đã định trước. Quân địch ở đây buộc phải bàn giao vũ khí đầu hàng…

Sứ mệnh giải phóng dân tộc đã được hoàn thành, sự đóng góp của chiến sĩ trinh sát, quân báo, biệt động Bình Dương là vô cùng to lớn. Những chiến công vang dội của chiến sĩ trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một mãi là tấm gương về tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh, 50 năm sau ngày hòa bình, thống nhất và sau gần 40 năm hòa cùng dòng chảy công cuộc đổi mới của đất nước, Bình Dương hôm nay đang phát triển từng ngày; là địa phương đứng tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; là nơi có hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển toàn diện, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao. 50 năm đất nước nở hoa độc lập cũng là chừng ấy thời gian để Bình Dương vượt qua bao khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó là nền tảng để vùng đất này vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

TRÍ DŨNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doi-biet-dong-thu-dau-mot-trang-su-hao-hung-a345754.html
Zalo