Đời bay lên chắp cánh những vần thơ

Trên đỉnh núi, tiếng thơ hòa tiếng nhạc, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống, con người. Thơ Nguyên tiêu Phú Yên khai hội dưới trăng thanh, đánh dấu chặng đường 45 năm thắp lửa tình yêu thi ca, hướng lòng người đến với những gì đẹp nhất. Nói như tác giả Trần Thị Bắc: Đời bay lên chắp cánh những vần thơ.

Rất đông bạn yêu thơ đến với hội thơ Nguyên tiêu. Ảnh: YÊN LAN

Rất đông bạn yêu thơ đến với hội thơ Nguyên tiêu. Ảnh: YÊN LAN

Tiếng thơ từ độ ấy

...Em có biết tiếng thơ từ độ ấy

Mang hồn trăng của núi Nhạn

sông Đà

Đã chắp cánh, gieo cội nguồn

thi tứ

Để lại tình trong mắt

kẻ phương xa...

(Trở lại đêm thơ - Hoàng Nguyên Chương)

“Độ ấy” có thể là xuân Kỷ Mão (1999), lần đầu tiên đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên được tổ chức dưới chân tháp cổ. Xa hơn, “độ ấy” là đêm thơ xuân 1980, khi những người làm thơ và yêu thơ ở TX Tuy Hòa xướng họa, đọc thơ trong sân Thư viện Hải Phú, dưới ánh trăng Nguyên tiêu. Từ nơi này, ngọn lửa tình yêu thi ca thắp lên để rồi lan tỏa, cháy sáng suốt gần nửa thế kỷ. Để rồi, những đêm thơ, hội thơ Nguyên tiêu trở thành lời hẹn của biết bao người yêu thơ!

Nhà văn - nhà báo Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương giao lưu tại hội thơ. Ảnh: PHONG NIÊN

Nhà văn - nhà báo Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương giao lưu tại hội thơ. Ảnh: PHONG NIÊN

Đêm rằm tháng Giêng (12/2) Ất Tỵ - 2025, khi cả nước hân hoan chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23, tiếng trống khai hội Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 45 vang lên trên đỉnh núi trăng ngời bên tháp Nhạn. Đông đảo văn nghệ sĩ và những người yêu thi ca đến với hội thơ - sự kiện văn hóa độc đáo, đánh dấu chặng đường gần nửa thế kỷ thơ Nguyên tiêu lan tỏa và trở thành niềm tự hào của quê hương đất Phú trời Yên.

Kể từ đêm thơ xuân 1980 diễn ra tại sân Thư viện Hải Phú, 45 mùa trăng Nguyên tiêu đã đi qua. Trong 45 mùa trăng Nguyên tiêu ấy, đã có biết bao bài thơ được cất lên tại sân thư viện, tại vườn hoa Diên Hồng và sau này là tại sân tháp cổ. Đã có biết bao nhà thơ, tác giả và những người yêu thơ cùng thắp lửa cho hội thơ Nguyên tiêu; không ít người trong số họ đã về cõi vĩnh hằng, như nhà thơ Văn Công, nhà thơ Triệu Lam Châu, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng, tác giả Đỗ Như Phước... và một số tác giả khác.

Chào mừng đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên tròn 45 năm, tổ khúc Thơ từ Nhạn tháp cất lên bên tháp cổ nhuộm ánh trăng vàng, tri ân những người đã đặt nền móng cho đêm thơ Nguyên tiêu và những người đã thắp lửa đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên suốt gần nửa thế kỷ, để tình yêu thi ca sáng lên từ ngọn núi thơ này.

Tổ khúc Thơ từ Nhạn tháp gồm những bài thơ, trích đoạn thơ: Núi Nhạn nơi ươm mầm thơ của tác giả Trần Thị Bắc, Núi Nhạn đêm trăng của cố nhà thơ Văn Công, Đêm trăng đồi Nhạn Tháp của cố nhà thơ Triệu Lam Châu, Về lại đêm thơ của tác giả Hoàng Nguyên Chương và Trăng Nguyên tiêu trên núi Nhạn của cố nhà thơ Nguyễn Gia Nùng.

Thơ ngân dưới trăng xuân

Đến với Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 45 xuân Ất Tỵ, thi hữu thưởng thức hơn 20 bài thơ, trích đoạn thơ của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Với bài thơ Chiều tất niên, tác giả Nguyễn Bá Thuyết đưa thi hữu trở về không gian ấm áp, thiêng liêng của gia đình Việt Nam trong ngày cuối năm, qua những hình ảnh gần gũi, quen thuộc:

Gốc củi cháy trấu ươm vàng lửa

Nước sôi rền

nồi bánh chưng xanh

Ông, bà, cháu… hàn huyên

bao chuyện

Trời đất, tròn vuông

thuở mới hình thành

Bài thơ không chỉ dừng lại ở việc miêu tả khung cảnh tất niên mà còn chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc. Đó là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, là tình cảm gia đình thiêng liêng, là lòng biết ơn đối với những người đang bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc.

Nhà văn Nguyễn Văn Hòa đọc bài thơ

Nhà văn Nguyễn Văn Hòa đọc bài thơ

Còn tôi với những trầm ngâm quê nhà

. Ảnh: YÊN LAN

Qua bao mùa xuân, Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã trở thành niềm thương nỗi nhớ trong lòng thi hữu. Trong bài thơ Ký ức Nguyên tiêu đan xen giữa những hình ảnh đầy ắp hoài niệm và những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Phú Yên, nét đẹp của đất và người Phú Yên, nhà thơ Ngàn Thương nơi cố đô có những câu thơ xao xuyến:

Lâu rồi chưa về thăm xứ Nẫu

Nhớ bạn bè, thi hữu

dưới đêm trăng

Ngồi bên nhau nghe lời thơ,

tiếng nhạc

Tháp Nhạn hồn Chăm

lãng đãng khói sương ngàn

65 năm qua, với Phú Yên, Hải Dương luôn là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình, trong đó văn học nghệ thuật đã bắc một nhịp cầu gắn kết. Tham dự hội thơ năm nay, nhà văn - nhà báo Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương đọc bài thơ Với Tuy Hòa, lay động lòng người bởi những cảm xúc chân thành:

Đã chắc hẹn thu này gặp lại

Mà vẩn vơ hóa lỗi hẹn Tuy Hòa

Đêm tháp Nhạn nồng nàn

thơ nhạc

Giữa Giêng hai sao se sắt đông xa

Ngoài xa kia sóng Tuy Hòa cồn xoáy

Đà Rằng nghiêng mơ châu thổ mỡ màu

Ta và em

Cồn cào và khát cháy

Hẹn hò chi thêm đau đáu về nhau...

Bài thơ Với Tuy Hòa đã được cố nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Quang phổ nhạc thành ca khúc Nhớ Tuy Hòa. Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Trang (Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên) cất tiếng hát da diết, làm cho tác giả thơ và người nghe xúc động.

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền chia sẻ: Với Hải Dương, Phú Yên là một phần trong nỗi nhớ. Với văn nghệ sĩ Hải Dương, Phú Yên là một miền thơ, một miền nhớ, một miền nghĩa tình. Hôm nay tôi lại được sống trọn vẹn một đêm rằm với thơ, với những người yêu thơ, trân trọng thơ. Tất cả những điều này, không phải nơi nào cũng có được!

Góp mặt trong hội thơ có những tác giả, tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi Sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức. Nhà thơ Lê Hào - người đoạt giải nhất thơ - có tác phẩm Bước ta cùng ánh sáng của mùa xuân. Nhà thơ Trần Lê Anh Tuấn góp vào hội thơ tác phẩm đoạt giải nhì Di chỉ.

Tác giả Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương “trẩy hội thơ” bằng ca khúc đoạt giải nhất Thương nhớ Phú Yên. Đây là một trong bốn ca khúc được chọn biểu diễn tại hội thơ: Nhớ Tuy Hòa, Thương nhớ Phú Yên, Tình xuân của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống và Xuân yêu thương của nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc.

“Tiệc thơ” năm nay có tác phẩm của những cây bút đã trở nên thân thương với bạn yêu thơ qua bao mùa trăng Nguyên tiêu, như Cõi xuân của nhà thơ Trần Huiền Ân - một trong những người đặt nền móng cho đêm thơ Nguyên tiêu, Tà áo xuân của tác giả Nguyễn Tường Văn, Chung thủy của tác giả Phan Kim Việt, Mùa xuân khi ta còn mẹ của tác giả Ngô Trọng Cư, Mùa xuân cho con của tác giả Đinh Lăng...

“Tiệc thơ” còn có một gương mặt mới: Nguyễn Văn Hòa - tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cây bút lý luận phê bình văn học đến từ Đồng Xuân đọc bài thơ Còn tôi với những trầm ngâm quê nhà vừa da diết tình quê, vừa đầy suy tư trăn trở về cuộc sống, về những được - mất, thăng trầm trong cuộc đời.

Cho một mùa xuân xứ sở

Đêm rằm tháng Giêng, khi đông đảo người yêu thơ ở Phú Yên náo nức trẩy hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 45 thì tại TP Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đêm thơ “Tổ quốc bay lên” - điểm nhấn của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23.

Chủ đề “Tổ quốc bay lên” lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong tác phẩm Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân. Chủ đề của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23, các tác giả, nghệ sĩ, nghệ nhân đã đọc và trình diễn tổ khúc thơ Cho một mùa xuân xứ sở, với Quê hương Đồng Khởi của tác giả Nguyễn Quốc Khánh, Hương quê của nhà thơ Nguyên Hồ, Cùng ba của tác giả Vũ Văn Thoại, trích đoạn thơ Viếng mộ anh hùng của tác giả Vũ Trung Uyên và trích đoạn trường ca Ở làng Phước Hậu của nhà thơ Trần Vũ Mai.

Để tiếng thơ ngân lên đầy cảm xúc nơi tháp cổ, bên cạnh những giọng ngâm, giọng đọc đã trở thành một phần của hội thơ Nguyên tiêu như Ngọc Hà, Vân Phi, Bích Trâm, Vũ The, Phan Kim Việt và những gương mặt thân quen sau này: Như Thân, Thụy Hằng, năm nay, lần đầu tiên hội thơ có một giọng ngâm nam: Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung, đến từ Huế. Lời thơ thăng hoa trong tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hoàng Hường, tiếng đàn bầu của Ngọc Thanh, tiếng sáo của Quốc Huy... Cùng các nhà thơ, nhà văn, tác giả, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã góp phần làm nên một hội thơ xao xuyến lòng người.

Thơ đồng hành với niềm vui, nỗi buồn và thăng hoa cùng hạnh phúc của non sông, xứ sở, của cộng đồng và của mỗi cá nhân trên vùng đất Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung. Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 45 này, một lần nữa chúng ta khẳng định Phú Yên không những là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, Trưởng ban tổ chức Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 45 xuân Ất Tỵ

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325939/doi-bay-len-chap-canh-nhung-van-tho.html
Zalo