Ngôi nhà do ông Nguyễn Văn Trường (60 tuổi, hiện đã qua đời) tự tay thiết kế, lắp ghép với mong muốn căn nhà sẽ trở thành một di sản vô giá cho con cháu. Nhiều về năm trước, chủ nhân ngôi nhà độc lạ được nhiều người gắn cho biệt danh Trường "khùng" bởi kiếm được bao nhiêu tiền ông đều đổ hết vào đam mê những chiếc đĩa, bát cổ.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Hồ Thị Nga (vợ ông Trường) cho biết: "Vì nhà chật không có chỗ để nên ông nhà tôi đã gắn gần 10.000 bát, đĩa cổ, tiền cổ… lên tường nhà. Gần 20 năm qua, với niềm đam mê cháy bỏng, chồng tôi đã lăn lộn nhiều năm ở các tỉnh miền Bắc như: Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai… để tìm kiếm và mua lại bát, đĩa cổ. Nhiều bát đĩa, bình gốm ông sưu tầm được có niên đại từ thế kỷ 17, 18 vô cùng quý giá và hiếm có".
Về lý do những chiếc bát, đĩa cổ được gắn lên tường, bà Nga chia sẻ: "Gắn bát đĩa lên tường, cổng, non bộ... là cách để chồng tôi gìn giữ và bảo vệ những cổ vật mà cha ông để lại và đây cũng là cách ông chơi đồ cổ".
Theo bà Nga, sau khi xuất ngũ năm 1989 ông Trường về quê lấy vợ và làm nghề sơn bàn ghế kiếm sống. Ông Trường mê đồ cổ trong một lần đi sơn bàn ghế cho một người buôn bán đồ nổi tiếng ở huyện thời đó. Nghe người đó giới thiệu về những đồ cổ có niên đại nhiều năm và những món đồ độc đáo được coi là độc nhất, ông Trường thích và bắt đầu sưu tầm bát đĩa cổ từ đó.
"Từ năm 1996, khi ông bắt tay vào xây ngôi nhà này, tôi phản đối lắm. Hàng xóm láng giềng đều không hiểu và nói rằng ông bị khùng. Ông vẫn hay đùa tôi rằng "Đồ cổ làm khổ vợ con".
"Đã có những lúc, chồng tôi dùng hết tiền nhà rồi đi vay mượn, nhưng rồi ai cũng biết ông vay tiền đi mua đồ cổ nên về sau không ai cho vay nữa. Ông không dừng lại khi đã cạn tiền, ông liền thế chấp sổ đỏ của nhà được hơn 10 triệu đồng để lên đường đi săn đồ cổ tiếp. Đi mấy ngày mua được đồ mà mình muốn rồi trong người không còn tiền bắt xe về quê, ông liền đi bộ rồi, đi nhờ xe mấy ngày rồi cũng về tới nhà", bà Nga bùi ngùi nhớ lại.
Thế nhưng, hình ảnh ông Trường lầm lũi mua từng cân xi măng rồi tìm vị trí để ghép những chiếc đĩa, bình hoa cổ... lên ngôi nhà đã quá thân thuộc mà giờ đây không còn nữa.
Trong căn nhà độc lạ ấy, nhiều chiếc bát, đĩa cổ có giá hàng chục triệu đồng, tuy nhiên người chế tác căn nhà không màng tới giá trị vật chất, theo bà Nga, tâm nguyện của chồng bà là muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của đất nước.
Hiện ngôi nhà đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút những người đam mê đồ cổ và cả những du khách hiếu kỳ.
Đăng Minh