Độc đáo Tết cơm mới của dân tộc Lự

Người Lự ở Lai Châu có dân số khoảng 7.000 người, sống tập trung ở 2 huyện Tam Đường và Sìn Hồ. Tết cơm mới, hay còn gọi là Kin khảu máy, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu ở mỗi gia đình người Lự. Đây là nghi lễ có ý nghĩa cảm tạ công ơn tổ tiên và ma bản. Tết cơm mới là mốc đánh dấu cho ngày đầu tiên được ăn cơm mới của mùa vụ mới, cũng như cơm xôi được dâng lên bàn thờ tổ tiên từ nay sẽ được nấu bằng thóc gạo mới.

Người dân trong bản gánh thóc mới thu hoạch ra đàn tế để làm lễ rước hồn lúa. Ảnh: Ngọc Huyền

Người dân trong bản gánh thóc mới thu hoạch ra đàn tế để làm lễ rước hồn lúa. Ảnh: Ngọc Huyền

Tết cơm mới diễn ra trước Tết Nguyên đán, không có ngày cố định nhưng thường trong khoảng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, tuy nhiên công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ khi lúa chín. Khi đó, mỗi chủ nhà người Lự thu lấy gùi lúa non đầu tiên, để riêng làm xôi cốm (khẩu hang), món đồ cúng quan trọng nhất trong ngày Tết cơm mới. Có 2 hình thức tổ chức Tết cơm mới: Tổ chức theo cộng đồng và tổ chức theo hộ gia đình. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc Tết cơm mới tổ chức theo cộng đồng tại bản Thăm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Đã nhiều tháng qua kể từ sau mùa gặt, nay cánh đồng mới đông vui trở lại, mọi người tấp nập đến đây không mang hối hả của những ngày đi cấy, hay đi thu hoạch mà với áo quần đẹp đẽ tươm tất, khuôn mặt rạng rỡ vui tươi. Hôm nay chính là ngày vui của cả người và của cả vật. Ngày mà những người nông dân được hưởng thành quả lao động của mình và của hồn lúa được người dâng lễ tạ ơn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tao Văn Xúc, thầy cúng chính của bản Thẳm cho biết, sáng ngày làm Tết cơm mới, người dân trong bản mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, điều này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với thần linh, tổ tiên, vừa để răn dặn con cháu trân trọng truyền thống của dân tộc mình. Những chiếc gùi và quang gánh thóc sẽ được những người đàn ông và phụ nữ trong bản mang theo đi cùng thầy cúng ra đàn tế lễ để làm lễ rước hồn lúa về. Hồn lúa phải thấy các lễ vật được trang trí đẹp đẽ - gài hoa, lá đẹp thì mới chấp nhận theo bà con về bản.

Thầy cúng Tao Văn Xúc đeo một chiếc giỏ tre trên vai, tay còn lại cầm chiếc quạt thóc đi trước, một thầy cúng phụ đi sau mang theo chiếc mâm tre, các thầy cúng phụ khác thì người mang gà, người mang trứng, người mang rượu, đoàn người mang theo những lễ vật đi sau các thầy cúng. Rời khỏi nhà sàn, dân bản nhập vào thành một hàng dài hơn, họ cùng nhau chậm rãi tiến ra khu vực tổ chức lễ hội. Thầy cúng chính đeo chiếc giỏ lên một bên vai, tay cầm quạt thóc phẩy nhẹ về phía mình và miệng khấn gọi hồn lúa về và rước hồn lúa đi chậm rãi về phía đàn lễ. Các thầy cúng tìm vị trí thuận tiện để đón lấy những chiếc gùi và sọt thóc mà dân bản vừa gánh theo để đổ vào trong bồ đựng.

Người Lự quan niệm, thóc lúa cũng như bao vật khác phải có linh hồn thì mới tốt tươi và sinh sôi, nảy nở. Bởi vậy, hồn lúa ở cánh đồng phải được mời về cùng thóc lúa trong bồ, để thóc lúa ở bản luôn được bội thu, cả bản không lo bị đói. Người Lự cho rằng, hồn lúa rất nhát, bởi vậy khi cúng, người dân phải trang trí bồ lúa bằng hoa rừng thật đẹp, gọi hồn lúa vào bồ xong, cần đậy kín lại bằng quạt thóc thì hồn lúa mới dám ăn cơm mới, để rồi phù hộ cho gia đình, bản làng trong mùa vụ năm sau.

Sau khi các thầy cúng đã lần lượt cúng và thắp hương xong, thầy cúng chính thông báo với mọi người nghi thức tiếp theo của Tết cơm mới, đó là giã gạo mới. Những người lớn trong bản đã tập trung hết xung quanh bộ cối giã gạo, mọi người dùng mẹt bốc thóc từ trong bồ thóc ra chỗ cối giã gạo bằng chân. Sau khi giã gạo xong, nhóm người phụ nữ mang theo gạo khẩu hang để đồ trước mặt đàn lễ, họ nhóm lửa đồ xôi trước sự chứng kiến của hồn lúa và các vị thần để báo với các đấng siêu nhiên là bà con đã làm đúng theo luật lệ từ xa xưa để lại. Hôm nay, khi nghi lễ rước hồn lúa và các vị thần đã xong xuôi, người dân mới mang thóc gạo mùa mới ra sử dụng.

Để báo cáo tổ tiên trong ngày lễ đặc biệt này, người Lự dâng lên một loại lễ vật đặc biệt là xôi khẩu hang, một loại xôi thơm ngon của người Lự. Để làm được khẩu hang, thóc nếp chín sau khi được thu hoạch sẽ được đồ chín rồi mới mang ra phơi khô, sau khi được phơi khô từ 1 đến 2 ngày thì người Lự đem ra giã hoặc xay xát, hạt gạo sẽ có màu vàng nhạt. Gạo cần được ngâm nước trong 30 phút và được đồ xôi trong vòng 15 phút là chín. Đĩa xôi khẩu hang được dâng lên bàn thờ thay cho lời xin phép tổ tiên cho con cháu được thực hiện lễ hội cơm mới, cầu xin tổ tiên phù hộ cho ngày làm lễ được đẹp trời và tổ chức thành công tốt đẹp.

Thầy cúng Tao Văn Xúc dùng xôi khẩu hang vừa cúng hồn lúa xong, bốc lên nhúm xôi chấm lên lưỡi cày, cuốc và liềm mời các các công cụ ăn cơm lúa mới. Vừa làm, ông vừa khấn để cầu xin những điều tốt đẹp đến với bà con. Nghi lễ dâng cơm mới cho các vị thần và các linh hồn được khép lại.

Ngay sau lễ cúng hồn lúa, người dân trải chiếu, bày mâm, cùng nhau ăn Tết cơm mới tại nơi làm lễ cúng. Gia đình nào cũng mời khách, họ hàng ở xa về cùng ăn Tết. Kể cả người lạ, bất cứ ai đến thăm bản cũng được các gia đình mời vào chung vui. Mọi người cùng uống rượu, chúc nhau sang năm mới luôn mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi...

Ngọc Huyền

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doc-dao-tet-com-moi-cua-dan-toc-lu-post485874.html
Zalo