Độc đáo nghi lễ đắp núi cát và tắm Phật dịp tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer
Trong chuỗi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer có nghi lễ Pun-phnum-khsach (đắp núi cát) và tắm Phật, tắm chư tăng tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, hay tắm ông, bà, cha mẹ tại gia. Các nghi lễ này đều mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mọi người nên tích phúc, hướng thiện, cũng như thể hiện việc kính Phật, trọng tăng, sự hiếu thảo, kính trọng của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ.
Trong những ngày tết Chôl Chnăm Thmây, chúng tôi có mặt tại chùa Prés Buône Prés Phek (Bốn Mặt), xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức đón năm mới nơi đây. Ngay giữa sân chùa có đống cát sạch được đắp lên thành núi cát lớn có đường kính khoảng 4m, chiều cao gần 2m và những núi cát nhỏ xung quanh. Qua bàn tay khéo léo của các vị chư tăng trong chùa, đống cát ấy trở thành núi cát được trang trí hoa văn rất tỉ mỉ và mang đậm nét truyền thống của dân tộc.

Trong sân chùa, Thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa Prés Buône Prés Phek, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) giới thiệu về tục đắp núi cát dịp tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Ảnh: THẠCH PÍCH
Thượng tọa Thạch Bonl - Ủy viên Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Châu Thành, Trụ trì chùa Prés Buône Prés Phek cho biết: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến tết Chôl Chnăm Thmây, các vị chư tăng trong chùa cùng với bà con phật tử chung tay quét dọn, trang trí chùa để đón Tevda (Chư thiên) Chnăm Thmây. Đặc biệt là tục đắp, trang trí hoa văn núi cát trong chùa, bởi đây là một nghi lễ khá quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Đắp xong, người ta dùng vật liệu làm rào quanh những núi cát này để tránh trẻ em đi lại va chạm, hư hỏng”. Đồng bào Khmer xem tục đắp núi cát là một tập tục quan trọng trong việc tích phước đức.
Achar Thạch Sen - Trưởng Ban Quản trị chùa Serey Techo Mahatup (chùa Dơi), thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Nghi lễ đắp núi cát đã có từ lâu đời. Tục đắp núi cát được bắt đầu bằng nghi thức làm lễ quy y cho núi cát và đến ngày hôm sau thì làm nghi lễ xuất thế. Những lễ nghi này đến ngày nay được gìn giữ gọi là Anisong Pun-phnom-khsach, nghĩa là phúc duyên đắp núi cát. Người dân tin rằng việc đắp núi cát không chỉ mang ý nghĩa cầu bình an, gột rửa nghiệp chướng, mà còn thể hiện lòng thành kính đối với Tam bảo. Mỗi người đến chùa đều được khuyến khích đắp thêm cát lên núi, như một cách góp phần tạo phúc, tích đức cho bản thân và gia đình trong năm mới”.

Bà con phật tử dùng những cành hoa để vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong trời Phật gia hộ cho bà con mạnh khỏe, sung túc, ruộng rẫy tươi tốt, trúng mùa, được giá. Ảnh: THẠCH PÍCH
Bên cạnh nghi lễ đắp núi cát, bà con phật tử tiếp tục tham gia nghi lễ tắm Phật trong chùa vào ngày cuối cùng gọi là ngày Lơng-săk. Trong chánh điện hoặc giữa sân chùa, tượng Phật Thích Ca được đặt trang nghiêm, xung quanh là hương hoa, nước thơm và những ánh nến lung linh. Bà con phật tử lần lượt bước vào, tay cầm gáo nước, hoặc dùng những cành hoa để vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Tất cả như được thanh lọc, nhẹ nhàng trong không gian linh thiêng và mùi hương dịu nhẹ của hoa lài, hoa sen, hoa cúc vạn thọ...
Đại đức Sơn Vũ Bảo - Trụ trì chùa Phnorroka, xã Phú Tâm chia sẻ: “Nước là tượng trưng cho sự tinh khiết. Nước tắm Phật thường là nước hoa, có hương thơm dịu nhẹ, tượng trưng cho sự thanh tịnh. Nghi thức tắm Phật chính là để thanh lọc tâm hồn, bỏ lại những điều không may, phiền muộn của năm cũ, mở lòng đón nhận những điều tốt lành trong năm mới”.
Dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng các nghi lễ truyền thống trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây vẫn được đồng bào Khmer gìn giữ. Các vị chư tăng cùng bà con phật tử luôn phối hợp chặt chẽ để tổ chức nghi lễ đúng phong tục, vừa trang nghiêm, vừa vui tươi, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp cận và thấu hiểu giá trị văn hóa dân tộc mình.
Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ để đón năm mới, mà còn là dịp để người Khmer hướng về cội nguồn tâm linh, gìn giữ phong tục tốt đẹp từ bao đời. Trong chuỗi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo ấy, nghi lễ đắp núi cát và tắm Phật chính là biểu tượng thiêng liêng nhất - nơi con người tìm thấy sự an yên giữa cuộc sống bộn bề, nơi cộng đồng tìm lại sự kết nối bền chặt trong từng hạt cát, từng giọt nước, từng ngân vang lời kinh. Việc duy trì nghi lễ này đã góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.