Cảm nhận 'nhịp điệu' của sở hữu trí tuệ
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) với thông điệp toàn cầu 'Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ', Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, trọng tâm là lĩnh vực âm nhạc.
Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền là hai sự kiện trọng tâm diễn ra vào ngày 20.4. Các hoạt động diễn ra sôi nổi tại TP.HCM.
Sự kiện thứ nhất là chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 diễn ra với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ". Ảnh: Wipo.int
Sự kiện nhằm tôn vinh sáng tạo âm nhạc cũng như lan tỏa thông điệp TP.HCM là thành phố sáng tạo nghệ thuật.
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như giao lưu với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, khách mời có tên tuổi trong nghề để chia sẻ về cách thức họ vượt qua những thách thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, những suy nghĩ, góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ; chương trình nghệ thuật biểu diễn ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả.
Biểu diễn các ca khúc mới viết về TP.HCM, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; tương tác với khán giả, chia sẻ quan điểm, câu chuyện thực tế liên quan đến nhận thức và thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi những giải pháp cụ thể, khả thi để mỗi cá nhân và cộng đồng có thể chung tay hành động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền tác giả.
Cuối chương trình là hoạt động vinh danh những nghệ sĩ, nhạc sĩ đã có những đóng góp cho bản quyền âm nhạc, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ về âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc và tặng quà cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Sự kiện thứ hai là tọa đàm về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc.

Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc. Ảnh: Wipo.int
Tọa đàm là diễn đàn để đối thoại, nắm bắt tình hình, thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam và nước ngoài; phương hướng phát triển; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong quá trình các tổ chức, cá nhân thực hiện các sự kiện âm nhạc; định hướng phát triển các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Chương trình với sự tham gia của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt sự hiện diện của một số cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật tại các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc trong thời gian vừa qua.
Năm 2025, với thông điệp toàn cầu Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ, chủ đề nhấn mạnh vai trò của âm nhạc - một trong những lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế sáng tạo.
Hệ thống sở hữu trí tuệ được coi là “bệ phóng” để âm nhạc lan tỏa và phát triển bền vững, đặc biệt trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, thông điệp cũng nhằm tôn vinh những đóng góp của các nhà sáng tạo, nhà phát minh và doanh nhân đã vượt qua ranh giới của sự đổi mới và sáng tạo để tạo ra âm nhạc kết nối mọi người lại với nhau, khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, thúc đẩy sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo.

Các hoạt động hưởng ứng được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức sôi động. Ảnh: COV
Hằng năm, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26.4 là dịp để cộng đồng quốc tế cùng nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh những thành tựu mà hệ thống sở hữu trí tuệ mang lại trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển văn hóa – nghệ thuật.
Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội mới cho nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đưa tác phẩm đến công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn. Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức về xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép, thu lợi bất hợp pháp từ nền tảng số.
Trong hệ thống sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ tác phẩm âm nhạc khỏi việc sử dụng trái phép; đảm bảo thu nhập công bằng cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị phát hành; khuyến khích đầu tư vào sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung có bản quyền.
Việt Nam đã tham gia 8 điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne, Hiệp ước WCT, WPPT, Marrakesh, Hiệp định TRIPS… và nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP…
Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để bắt kịp xu thế mới. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có lĩnh vực âm nhạc.