Độc đáo logo nhận diện thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai
Đồng Nai đã tổ chức Cuộc thi Thiết kế logo, nhận diện thương hiệu Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai 2025 với sự hưởng ứng sôi nổi của đông đảo nghệ sĩ, họa sĩ và nhà thiết kế trên cả nước.

Từ trái qua: Thiết kế đoạt giải nhất của tác giả Phạm Thanh Sinh (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa); Thiết kế đoạt giải nhì của tác giả Hoàng Xuân Hiếu (ngụ phường Đông Ba, quận Phú Xuân, thành phố Huế); Thiết kế đoạt giải ba của tác giả Nguyễn Văn Ngát (ngụ phường 3, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: BTC
Dấu ấn sáng tạo từ các tác phẩm đoạt giải
Vượt qua hơn 120 tác phẩm để đoạt giải nhất trong Cuộc thi Thiết kế logo, nhận diện thương hiệu Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai 2025, tác giả Phạm Thanh Sinh (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) cho biết, logo anh dự thi là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại. Hình ảnh trung tâm của logo - chiếc bình gốm cách điệu là biểu tượng cô đọng tinh hoa của gốm Biên Hòa. Năm cánh hoa ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành, thể hiện sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giữa nghệ thuật và đời sống. Logo là biểu tượng sống động cho một ngành nghề thủ công đang từng bước vươn tầm quốc tế.
“Từng chi tiết từ màu sắc đến kiểu chữ đều được trau chuốt để truyền tải tinh thần gốm Biên Hòa. Phần chữ “Festival” mang phong cách hiện đại, còn từ “Gốm” được cách điệu với màu sắc đặc trưng, tạo điểm nhấn cho nhận diện thương hiệu. Thiết kế tối giản giúp logo dễ nhớ, dễ ứng dụng trên nhiều nền tảng truyền thông. Logo không chỉ đại diện cho sự kiện, mà còn là niềm tự hào của gốm Biên Hòa trên bản đồ văn hóa Việt Nam và thế giới” - tác giả Phạm Thanh Sinh chia sẻ.
Tác phẩm đoạt giải nhì của Cuộc thi Thiết kế logo, nhận diện thương hiệu Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai 2025 đến từ phường Đông Ba, quận Phú Xuân, thành phố Huế của tác giả Hoàng Xuân Hiếu. Logo được thiết kế nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật và truyền thống nghề gốm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Chủ đề “Tinh hoa miền đất gốm” được thể hiện rõ nét qua hình ảnh hoa sen cách điệu và bình gốm truyền thống, mang ý nghĩa sâu sắc về sự sáng tạo và sự kết tinh văn hóa lâu đời.
Theo bản thuyết minh logo của tác giả Hoàng Xuân Hiếu, hình ảnh hoa sen bung nở, tỏa hương, mang ý nghĩa về sự phát triển rực rỡ và không ngừng lan tỏa của nghề gốm. Trên thân bình, họa tiết Văn miếu Trấn Biên được khắc họa nổi bật, biểu tượng của giá trị tri thức, sáng tạo, văn hóa và bản sắc vùng đất Đồng Nai. Ngôi sao khuê tỏa sáng thể hiện ý nghĩa khai sáng, vươn xa và khẳng định vị thế của gốm Biên Hòa trên bản đồ văn hóa Việt Nam và quốc tế.
Với logo đoạt giải ba cuộc thi, tác giả Nguyễn Văn Ngát (ngụ phường 3, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng màu sắc phong phú, thể hiện sự trẻ trung, năng động, thiết kế hiện đại, có thể ứng dụng trên mọi chất liệu. Sự độc đáo của logo là sử dụng nghệ thuật chữ tượng hình tạo nên chữ G.B.H.Đ.N (viết tắt của chữ gốm Biên Hòa - Đồng Nai) gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành bình hoa truyền thống, một trong số sản phẩm chủ lực đặc trưng của địa phương, mang tính định hướng du lịch.
Sau gần 8 tháng phát động (từ tháng 7-2024 đến nay), Ban Tổ chức Cuộc thi Thiết kế logo, nhận diện thương hiệu Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai 2025 đã nhận được 128 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Ban giám khảo đã chấm và chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải vào dịp 30-4.
Lan tỏa thương hiệu - khơi dậy niềm tự hào di sản
Cũng theo tác giả Phạm Thanh Sinh, khi biết bản thân đoạt giải nhất Cuộc thi Thiết kế logo Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai, anh cảm thấy rất vui và vinh dự cũng như đặt nhiều kỳ vọng vào hành trình tiếp theo của tác phẩm. Anh mong muốn logo không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà thực sự được đưa vào sử dụng rộng rãi trong các hoạt động truyền thông, quảng bá và tổ chức sự kiện.
“Logo về gốm không chỉ là một hình ảnh nhận diện, mà là cầu nối giúp gốm Biên Hòa lan tỏa mạnh mẽ hơn, đến gần hơn với công chúng, du khách và bạn bè quốc tế. Tôi tin rằng, khi được ứng dụng đúng cách và nhất quán, logo sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu gốm Biên Hòa, trở thành biểu tượng văn hóa lâu dài của vùng đất này” - anh Sinh nói.
Logo Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai 2025 không chỉ là biểu tượng nhận diện sự kiện, mà còn là “sứ giả” lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc đến cộng đồng trong nước và quốc tế. Với thiết kế hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, các logo đã mang đến nhiều trải nghiệm cho người xem, góp phần nâng tầm thương hiệu gốm Biên Hòa - một dòng gốm nổi tiếng với lịch sử lâu đời, sự tinh xảo và bản sắc riêng biệt.
Mỗi chi tiết trong các logo đều kể câu chuyện về bàn tay tài hoa, trí tuệ và tâm hồn của người thợ gốm, từ đó tạo nên sự kết nối cảm xúc, khơi gợi niềm tự hào và lan tỏa tình yêu với nghề gốm Việt. Đây không chỉ là hình ảnh đại diện cho một lễ hội, mà còn là biểu tượng của một di sản sống động, bền vững và không ngừng vươn xa.