Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại - Bài 1: Từ cuộc chiến 'châu chấu đá voi' đến cuộc đối đầu với chiến tranh công nghiệp

LTS: Trong lịch sử 80 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta cùng với toàn dân đã anh dũng chiến đấu đánh thắng các đội quân xâm lược nhà nghề (Pháp, Mỹ) được trang bị vũ khí hiện đại, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi vang dội trong các cuộc kháng chiến của Quân đội ta để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học tự chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh bại quân xâm lược. Từ đó tạo cơ sở xây dựng và phát triển nền công nghệ quân sự Việt Nam với những đặc trưng rất độc đáo mà chúng ta cần nghiên cứu để góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Để đánh đuổi quân Pháp, giành độc lập dân tộc, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”... Trong khi đó, nhận được sự ủng hộ toàn diện của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn nhất cho cuộc viễn chinh mới hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng của nước Việt Nam mới. Nhưng chúng lần lượt bị đánh bại bởi trí tuệ, ý chí, sự sáng tạo... của người Việt Nam.

Vũ khí tối tân của kẻ xâm lược

Trong điều kiện đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân sau gần một thế kỷ và nạn đói khủng khiếp khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng, nền kinh tế-xã hội nghèo nàn, hơn 80% dân số mù chữ, chúng ta phải đương đầu với đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự đứng hàng đầu thế giới. Đầu năm 1951, khi đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Khi ta bắt đầu kháng chiến, có người nhút nhát cho rằng cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đấu voi”. Trong bài viết với tiêu đề “Con voi với con muỗi” đăng trên Báo Nhân Dân số 104 với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể về một nghị sĩ Quốc hội Pháp khi sang Việt Nam đã nhận định rằng, cuộc viễn chinh mới của Pháp ở Việt Nam là “cuộc chiến tranh giữa voi với muỗi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp trả nhận định này của nghị sĩ Pháp bằng câu ca: “Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã cải tiến tên lửa do Liên Xô viện trợ để hạ gục “pháo đài bay” B-52 của không quân Mỹ, năm 1972. Ảnh tư liệu

Quân đội nhân dân Việt Nam đã cải tiến tên lửa do Liên Xô viện trợ để hạ gục “pháo đài bay” B-52 của không quân Mỹ, năm 1972. Ảnh tư liệu

Phải thừa nhận rằng, dựa vào học thuyết vũ khí luận, người Pháp có lý khi đánh giá tương quan lực lượng ở thời điểm Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến giống như "châu chấu đá voi". Năm 1946-năm đầu tiên Việt Nam tiến hành kháng chiến, quân đội Pháp đã được trang bị cả máy bay, tàu chiến, xe tăng hiện đại hàng đầu thế giới. Trong biên chế không quân Pháp ở Việt Nam có 2 phi đội máy bay cường kích, 1 phi đội máy bay vận tải, nhiều máy bay làm nhiệm vụ chỉ huy và trinh sát. Trong đó có máy bay cường kích Kingcobra và Spitfire; máy bay vận tải Dakota, Junker; máy bay trinh sát Catalina, Morane... Với lực lượng đó, không quân Pháp ra sức phát huy ưu thế tuyệt đối với toan tính sẽ nhanh chóng tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Việt Minh.

Ngoài ra, quân Pháp còn nhận được viện trợ của Mỹ. Tính đến đầu năm 1951, không quân Pháp ở Việt Nam có tới 9 phi đội; trong đó, các loại máy bay cường kích Spitfire, Kingcobra của Pháp được thay thế bằng máy bay cường kích hiện đại của Mỹ như: Hellcat F6F, Bearcat F8F, Invader B26, Privateer B24... Các kho bom đạn dự trữ của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từng sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều được chuyển giao cho Pháp. Mỹ còn cung cấp cho Pháp hàng vạn tấn bom đạn, giúp Pháp đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật, mở rộng và nâng cấp một số sân bay ở Đông Dương; sửa chữa các tàu sân bay Araumenche, Boisbelleau...

Mỹ còn lập 3 cầu hàng không từ Pháp sang Đông Dương, từ căn cứ quân sự của họ ở Clark (Philippines) sang Hải Phòng và từ Okinawa (Nhật Bản) lên Điện Biên Phủ. Các cầu hàng không này do 200 chuyên viên quân sự Mỹ phụ trách. Ngoài ra còn có 3 tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tiến vào vịnh Bắc Bộ để khích lệ quân Pháp và uy hiếp quân ta. Thậm chí, Mỹ còn có kế hoạch sử dụng bom nguyên tử một khi Pháp đứng trước nguy cơ thất bại ở Điện Biên Phủ. Các tướng chỉ huy quân đội Pháp huênh hoang rằng, mỗi máy bay cường kích của họ có thể đánh bại cả một trung đoàn Việt Minh.

Nắm quyền chủ động và ưu thế tuyệt đối trên không, không quân Pháp không chỉ làm nhiệm vụ cơ động lực lượng, bảo đảm hậu cần, yểm trợ lực lượng chiến đấu trên bộ, trực tiếp oanh tạc vào đội hình chiến đấu của Quân đội ta mà còn tấn công sâu vào các căn cứ, vùng tự do của ta. Tướng Pháp Henri Navarre đã tung gần hết lực lượng không quân của Pháp vào Chiến dịch Điện Biên Phủ với toan tính đánh đòn tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta.

Thế trận "thiên la địa võng"

Về phía ta, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, quân và dân ta tiến hành chiến dịch toàn dân làm vũ khí tự tạo theo tinh thần của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhiều loại vũ khí tự tạo mà điển hình là bom ba càng đã góp phần rất quan trọng trong hoạt động cản đà tiến công của quân Pháp ở Hà Nội, tạo điều kiện để các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ và Quân đội ta tạm thời rút lui an toàn lên căn cứ địa ở Việt Bắc và chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Về sau, vũ khí tự tạo trở thành phương tiện chiến tranh nhân dân, tạo ra thế trận “thiên la địa võng” trên khắp cả nước.

Trung đoàn Không quân 921 (Quân chủng Phòng không - Không quân) chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Trung đoàn Không quân 921 (Quân chủng Phòng không - Không quân) chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, Quân đội ta nhận được vũ khí tương đối hiện đại do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ để trang bị cho lục quân và xây dựng lực lượng phòng không. Đến năm 1952, lực lượng phòng không của Quân đội ta đã được tổ chức đến quy mô đại đội và tiểu đoàn, được trang bị pháo phòng không 37mm, súng máy phòng không 12,7mm, trung liên và đại liên. Đến đầu năm 1953, Quân đội ta đã có 8 tiểu đoàn phòng không. Bộ đội ta rất nhanh chóng khai thác, sử dụng thành công vũ khí hiện đại của các nước bạn viện trợ và bắn rơi nhiều máy bay của không quân Pháp.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, lực lượng phòng không của ta bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của Pháp, bắn hỏng hàng chục chiếc khác, diệt và bắt sống một số phi công của chúng. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bắn rơi 52 máy bay và bắn hỏng 117 chiếc khác. Các tướng Mỹ buộc phải thừa nhận không quân Pháp "quá yếu", đã "phải trả giá đắt" do "lực lượng phòng không của Việt Minh quá mạnh". Các phi công Pháp thì cay đắng thừa nhận rằng, bay trên vùng trời Điện Biên Phủ không còn là những “cuộc dạo chơi nhàn hạ" như Bộ chỉ huy Pháp mô tả mà là những “cuộc dạo chơi chết người", là đối mặt với thảm họa. Rút cuộc, thực dân Pháp đã thất bại thảm hại ở Việt Nam.

Nối gót thực dân Pháp, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Geneva, dựng lên chính quyền bù nhìn ở miền Nam Việt Nam hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Thực hiện mục tiêu chiến lược này, Mỹ ồ ạt viện trợ kinh tế và cung cấp vũ khí hiện đại nhất cho ngụy quyền Sài Gòn để tiến hành cuộc Chiến tranh đặc biệt (1961-1965) nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta ở miền Nam. Bị thất bại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Mỹ tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ trên toàn cõi Đông Dương với tâm điểm là Việt Nam. Khi phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, các tướng Mỹ tuyên bố đây là cuộc “chiến tranh công nghiệp” nhằm “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”!

Trong những năm 1965-1973, Mỹ huy động khoảng 3 triệu lượt binh sĩ tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam; 75 loại máy bay, trong đó có cả máy bay siêu âm và máy bay ném bom chiến lược B-52. Vào cao điểm năm 1972, Mỹ huy động 1.270 máy bay chiến đấu, 65 tàu chiến và tàu đổ bộ (cả tàu sân bay), 950 xe tăng, 1.412 khẩu pháo, rải 45.260 tấn chất độc hóa học và 338.000 tấn bom napan. Đỉnh cao của cuộc Chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam là cuối năm 1972, Mỹ huy động gần 200 máy bay ném bom chiến lược B-52 và 5 tàu sân bay... Riêng máy bay B-52 tiến hành khoảng 730 lần xuất kích, rải thảm hàng chục nghìn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam trong suốt 12 ngày đêm. Tuy nhiên, Mỹ đã bị thất bại thảm hại trong chiến dịch này với hàng chục “pháo đài bay” B-52 bị bắn hạ, cùng với đó là hàng chục phi công thiệt mạng. Đại bại này dẫn đến việc ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc ném bom chiến lược vào miền Bắc Việt Nam, chấp nhận ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam. Các tướng Mỹ phải cay đắng thừa nhận: "Bắc Việt Nam xây dựng được một trong những hệ thống phòng không có hiệu quả nhất trong lịch sử với lực lượng phòng không giàu kinh nghiệm nhất thế giới”.

Cũng xuất phát từ quan điểm "chiến tranh công nghiệp", Bộ chỉ huy quân đội Mỹ coi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là “đội quân chân đất” chỉ được trang bị vũ khí rất lạc hậu. Về sau, chính các tướng, tá Mỹ phải than thở rằng thần chết luôn rình rập họ mỗi khi bước xuống ruộng lúa, đụng tay vào cái gáo dừa, mở một cánh cửa, nhấc một cái áo, chạm tay vào bức tượng phật, gạt một cái lá khô trên đường đi... R.Ratsen, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ khi đó thừa nhận: "Chúng ta phải đương đầu với đội quân du kích tài tình nhất và chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Bất luận ở đâu, người lính Mỹ nào cũng nghĩ rằng bước thêm một bước nữa có thể là bước cuối cùng của đời mình".

THẾ MẪU - CHÍ DŨNG

(còn nữa)

QĐND

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/quoc-phong/doc-dao-cong-nghe-quan-su-viet-nam-bai-hoc-ve-xay-dung-quan-doi-tien-len-hien-dai-bai-1-tu-cuoc-chien-chau-chau-da-voi-den-cuoc-doi-dau-voi-chien-tranh-cong-nghiep-140811.html
Zalo