Doanh thu đạt 500 triệu USD, TPHCM bàn cách để trở thành Trung tâm điện ảnh khu vực

TP.HCM đang ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện, trình hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về điện ảnh vào ngày 3-3.

Sáng 15-2, Sở VH&TT TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, lĩnh vực điện ảnh.

Điện ảnh là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa của TP.HCM.

Hiện nay, thành phố có hơn 930 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, với hơn 9.000 lao động, doanh thu hằng năm đạt 500 triệu USD, đóng góp 0,43% vào GRDP.

Thành phố sở hữu hệ thống 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu, 10 hệ thống rạp phim lớn và 184 không gian sáng tạo phục vụ nghệ thuật.

 Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM là địa phương nằm trong số 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Chính quyền cam kết cùng doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện đổi mới sáng tạo, đặt tiêu chí tăng trưởng xanh và chất lượng sống tốt của người dân là mục tiêu cơ bản cần hướng đến năm 2030 để trở thành đô thị phát triển bền vững.

 Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm.

"Với mong muốn tiếp tục định hướng phát triển điện ảnh bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo điều kiện cho điện ảnh TP.HCM tiếp cận với điện ảnh thế giới, thu hút các nhà làm phim trên thế giới đến với TP, UBND TP xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.

Nhằm chuẩn bị hồ sơ một cách hiệu quả nhất, TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm quốc tế để tham vấn ý kiến từ các chuyên gia.

Tại đây, các bên sẽ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ chuyên môn, cũng như thảo luận về các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh - lĩnh vực được TP.HCM lựa chọn để gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" – bà Thúy cho hay.

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL) cho hay việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội.

Theo TS Hòa, có thể tóm tắt cơ hội này ở 5 điểm: Thứ nhất, đẩy mạnh sự sáng tạo, gia tăng giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cho nền kinh tế địa phương, tạo việc làm, doanh thu; tăng cường tính cạnh tranh của thành phố.

Thứ hai, tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa của cộng đồng; tăng cường kết nối xã hội thông qua sáng tạo, tạo dựng niềm tự hào về vốn sáng tạo và tài sản văn hóa thành phố; khơi gợi sức sáng tạo, cống hiến của cộng đồng địa phương.

Thứ ba, bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng, độc đáo về văn hóa, tạo dựng các không gian sáng tạo mới.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược, chính sách và các thực hành giữa các thành phố thành viên; tham gia các dự án, các sáng kiến về văn hóa, sáng tạo liên quốc gia, liên thành phố; kết nối các nghệ sỹ, các doanh nghiệp trong một môi trường quốc tế, tiếp cận thị trường quốc tế và các công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Thứ năm, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá hình ảnh cho thành phố, thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy giao thương.

Có thể nói, danh hiệu này đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của thành phố, phát huy mạnh mẽ các tài sản sáng tạo của thành phố để TP.HCM cất cánh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cạnh đó, TS Nguyễn Phương Hòa cũng cho biết thêm, Bộ VH-TT&DL đánh giá rất cao nỗ lực của TP.HCM vượt qua áp lực về tiến độ thời gian, làm xuyên lễ và Tết, để hoàn thiện việc nộp hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.

 Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL.

"Việc lựa chọn điện ảnh, ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp, có sự kết nối chặt chẽ với văn học, âm nhạc, thiết kế, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống, kiến trúc….

Lĩnh vực này vừa tạo ra những giá trị tinh thần, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gắn kết các cộng đồng trong xã hội, vừa tạo ra giá trị kinh tế đo đếm được vào GRDP của địa phương, được kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại TP.HCM.

Đây cũng chính là cơ hội để TP.HCM xây dựng thương hiệu, định vị là một trung tâm sáng tạo khu vực trên bản đồ điện ảnh toàn cầu" – bà Phương Hòa nhấn mạnh.

PLO sẽ tiếp tục cập nhật các ý kiến tâm huyết tại Tọa đàm góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, lĩnh vực điện ảnh.

 Điện ảnh là lĩnh vực được TP.HCM chọn để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (Hình: 1 cảnh trong phim Mai của Trấn Thành được đánh giá có doanh thu cao).

Điện ảnh là lĩnh vực được TP.HCM chọn để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (Hình: 1 cảnh trong phim Mai của Trấn Thành được đánh giá có doanh thu cao).

Nộp hồ sơ đăng ký vào ngày 3-3

Hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ được nộp chính thức đến UNESCO vào ngày 3-3.

Nếu được phê duyệt, TPHCM sẽ là thành phố điện ảnh UCCN đầu tiên của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á. Từ đây, TP kỳ vọng làm nơi kết nối điện ảnh Việt Nam và quốc tế; đóng góp vào sự phát triển chung của điện ảnh khu vực; tăng cường đào tạo và trao đổi chuyên gia, bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (HIFF) trở thành sự kiện điện ảnh thường niên; thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa - với mục tiêu sẽ đóng góp 7,2% GRDP năm 2030; tạo ra một định hình mới về văn hóa sáng tạo, khẳng định TP.HCM là điểm đến đầy cảm hứng của khu vực...

Hiện, có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, với hơn 9 ngàn lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD, đóng góp 0,43% GRDP. TP có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu;184 không gian sáng tạo chuyên nghiệp; nhiều không gian văn hóa phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng…

Tại TP.HCM hiện nay có nhiều đơn vị sản xuất phim ảnh, trong đó có nhiều phim doanh thu cao kỷ lục.Trong ảnh là 2 diễn viên chính của phim Mai - hiện là phim có doanh thu cao nhất lịch sử do Trấn Thành làm đạo diễn.

TP.HCM cũng có những chính sách, cơ chế nhất định để thực hiện mục tiêu này. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trên cơ sở đó, HĐND TP.HCM đã ban hành các nghị quyết nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển.

UBND TP.HCM cũng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao năm 2024 nhằm kêu gọi đầu tư 40 dự án văn hóa, thể thao, trong đó có 5 dự án ưu tiên đầu tư với hơn 90 triệu USD và 18 dự án giới thiệu để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất với phương án đầu tư 824 triệu USD.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-thu-dat-5-trieu-usd-tphcm-ban-cach-de-tro-thanh-trung-tam-dien-anh-khu-vuc-post834405.html
Zalo