Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 118 tỷ USD

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của DN công nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghệ số đạt 6,64 tỷ USD, tăng 9,86%.

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông thông tin về hiệu quả phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông thông tin về hiệu quả phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin tại lễ công bố và vinh danh top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam năm 2024, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức hôm nay (21/9).

Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cho biết thêm cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã quy tụ hơn 51.000 doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho trên 1,5 triệu người. Trong đó có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài.

"Hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghệ số là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp việt nam trong nước và quốc tế góp phần ghi danh việt nam trên bản đồ thế giới về công nghệ số", ông Lịch nói.

Kết quả của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam cũng chính là có sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp công nghệ số trong việc sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế. Những nỗ lực và cống hiến của các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của mình mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế số quốc gia.

Dẫn bài viết dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cho rằng nội dung này thể hiện quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số, khẳng định chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh đến "cuộc cách mạng chuyển đổi số", "Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đặt ra cho ngành Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số Việt Nam trọng trách vô cùng to lớn đồng thời cũng tạo cơ hội và điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển bùng nổ của ngành cùng với sự phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.

"Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã và đang đồng lòng, chung tay cùng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác triệt để các cơ hội mà công nghệ số đem lại, thiết kế, sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực nhằm tăng năng suất lao động, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Lịch nói.

Theo VINASA, Việt Nam đang được đánh giá là nền kinh tế tiếp theo ở châu Á có được cơ hội trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp bán dẫn toàn cầu bên cạnh: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành “ngôi sao đang lên” của thị trường chất bán dẫn toàn cầu, với nhiều lợi thế và cơ hội hợp tác, phát triển rất lớn.

Bên cạnh các chiến lược phát triển như: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hợp tác công nghệ và R&D, Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang tiên phong trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp đi đầu tham gia vào việc hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Một số doanh nghiệp khác đang bắt đầu hợp tác tham gia vào các công đoạn thiết kế, phát triển ứng dụng chip, kiểm thử.

Doanh thu của top 10 các doanh nghiệp số đạt 115.469 tỷ đồng

Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam là chương trình thường niên, bình chọn và công nhận các doanh nghiệp có uy tín và năng lực hàng đầu của Việt Nam.

Sau thời gian phát động, chương trình đã lựa chọn 81 đề cử từ 56 doanh nghiệp công nghệ thông tin, tại 22 lĩnh vực, trong đó có 11 đề cử doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ.

Theo ghi nhận của Ban Tổ chức, doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp được vinh danh Tốp 10 năm 2024 đạt 115.469 tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD, với tổng số nhân sự 76.767 người.

Riêng 11 doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ có doanh thu 82.251 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD, sử dụng 52.244 lao động.

Theo lãnh đạo VINASA, năm 2023, khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng; xung đột địa chính trị phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dịch chuyển, nhưng các doanh nghiệp số vẫn ghi nhận được mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT, mức tăng trưởng doanh thu năm 2023 từ 10 - 40% so với năm 2022.

"Công thức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian vừa qua là đầu tư mạnh cho R&D ứng dụng các công cụ AI như OCR, Chatbot, Code Converter, Code Generator, Test automation...nhằm: Tăng năng suất lao động, tăng tốc độ đóng gói sản phẩm từ đó tối ưu được nguồn lực tạo ra tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận", ông Ngô Diên Hy, Phó Chủ tịch VINASA nói thêm.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/doanh-thu-cong-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-9-thang-dau-nam-dat-118-ty-usd-post178454.html
Zalo