Doanh thu 6 tháng đầu năm của 19 tập đoàn, tổng công ty về 'siêu ủy ban' thế nào?
Chiều 16.7, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ủy ban) cho biết trong 6 tháng đầu năm, 19 tập đoàn và tổng công ty trực thuộc có doanh thu hợp nhất ước đạt gần 1,019 triệu tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, thực hiện được 76% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 56.875 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, vượt 27% kế hoạch năm. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 86.218 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ, thực hiện được 75% mục tiêu năm đặt ra.
Tính đến hết tháng 6, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 66.960 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, thực hiện được 35% kế hoạch năm.
Một số dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện đầu tư cao trong lĩnh vực năng lượng gồm: Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 40,09% kế hoạch); Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 41,64% kế hoạch); Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 43% kế hoạch)…
Trong lĩnh vực giao thông, hàng không có các dự án xây dựng: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đạt khoảng 24,1% kế hoạch); nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (đạt khoảng 26,06%).
Đối với dự án thành phần 3 - Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thông tin tại hội nghị cho biết, giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 8,45%, tuy nhiên, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 32,8%.
Với những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm.
Do khối lượng công việc lớn, nhiều tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước trong khi số lượng cán bộ còn hạn chế nên một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định. Ngoài ra, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với mô hình cơ quan chuyên trách và yêu cầu, tính chất đặc thù của việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường... nên trong việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định.
Từ kết quả 6 tháng đầu năm, Ủy ban dự tính 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, phối hợp với các Bộ trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về điều lệ của các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc phục hồi phát triển kinh tế xã hội của cả nước; khẩn trương xây dựng các chiến lược, kế hoạch, đề án quan trọng, điều lệ tổ chức hoạt động để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Áp dụng các cơ chế và công cụ quản lý hiện đại vào công tác của Ủy ban trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những quyết định quản lý và cảnh báo rủi ro sát thực và kịp thời, phù hợp.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm cung ứng điện, than, dầu khí, xăng dầu đủ cho phát triển kinh tế xã hội...; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; bảo toàn phát triển vốn và các nguồn lực nhà nước giao.
19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Mobifone), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.
Với các doanh nghiệp do "siêu ủy ban" này làm đại diện chủ sở hữu, đơn vị có quyền quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng có quyền thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.