Doanh nhân Vũ Tuấn Hiệp: Lan tỏa hơn nữa giá trị dinh dưỡng từ nấm
Ông Vũ Tuấn Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp và các thành viên đã và đang giúp Hợp tác xã phát triển ổn định, đồng thời thực hiện được mong mỏi của bản thân là lan tỏa hơn nữa giá trị dinh dưỡng từ nấm mang lại…
![Ông Vũ Tuấn Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_341_51437785/36ed5eee65a08cfed5b1.jpg)
Ông Vũ Tuấn Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp
Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (gọi tắt là Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp) được thành lập năm 2014 tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Mới đây, Hợp tác xã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo.
ĐAM MÊ CÙNG NẤM
Ông Vũ Tuấn Hiệp biết đến nấm từ năm 1997 khi vào huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để làm thuê cho bác dâu – một người có chuyên môn sâu về nghề trồng nấm và cũng là người đã khơi được niềm đam mê với nấm trong anh.
Làm việc với bác gái được một thời gian, ông lên đường nhập ngũ theo theo tiếng gọi của non sông. Tuy nhiên niềm đam mê với nấm vẫn âm ỉ cháy nên sau khi hết nghĩa vụ, vào năm 2000, ông đã tìm đến nhà cô chú ở Đắk Lắk để thực hiện tiếp ước mơ của mình. Ông chọn nơi này để lập nghiệp vì nghĩ, nếu quay lại Đồng Nai khởi nghiệp sẽ không cạnh tranh được với những cơ sở sản xuất nấm lâu đời và đầu tư bài bản tại đó.
Có kinh nghiệm trồng nấm từ trước nên trang trại nấm của ông cùng cô chú cho năng suất rất cao. Trái lại, vì không tìm được thị trường tiêu thụ nên dự án đầu tay của ông tại Đắk Lắk thất bại, mọi công sức và tâm huyết của ông “đổ sông đổ bể”.
Thất bại tại xứ người, năm 2002 ông quyết định quay về quê hương tại Nam Định để tái khởi nghiệp với số vốn bằng 0. May mắn sau khi lập gia đình vào năm 2004, người vợ của ông cũng chung niềm đam mê với nấm nên cả hai đồng lòng vay mượn để tiếp tục gắn bó với nghề. Mặc dù thành-bại đan xen trong quãng thời gian gần 10 năm nhưng cả hai vợ chồng vẫn không nhụt chí. Vợ chồng ông hiểu, nấm là một thực phẩm sạch vì sống chủ yếu nhờ nước lại có giá trị dinh dưỡng cao. Do đó dù khó khăn trăm bề nhưng cả hai vẫn quyết tâm theo đuổi với mong mỏi, người dân sẽ biết đến giá trị dinh dưỡng từ nấm mang lại nhiều hơn nữa.
![Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp: Trung bình mỗi năm Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_341_51437785/8d23e020db6e32306b7f.jpg)
Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp: Trung bình mỗi năm Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại
Đến năm 2014, Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp được thành lập với 7 thành viên tham gia, hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012. Ông Hiệp đã cùng những thành viên của Hợp tác xã kêu gọi bạn bè, gia đình, người thân vay vốn để xây dựng trang trại nấm. Họ còn đi đến nhiều nơi khác học hỏi cách trồng nấm, đến thăm nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu để từng bước xây dựng Hợp tác xã. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, số lượng thành viên tham gia đã lên đến 12 thành viên.
Hiện nay Hợp tác xã đang sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trên diện tích hơn 3.000m2. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chủ lực của Hợp tác xã.
“Trung bình, mỗi năm Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại. Đặc biệt, có 2 sản phẩm mặc dù mới ra mắt nhưng được khách hàng, người tiêu dùng ủng hộ rất nhiều đó là nem nấm và giò nấm” – ông Hiệp nói.
Đáng chú ý, từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được thực hiện, triển khai trên địa bàn tỉnh Nam Định, Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp đã tích cực hoàn thiện sản phẩm và tham gia nhiệt tình. Đến nay, Hợp tác xã đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao, gồm: nấm sò trắng Tuấn Hiệp, nấm sò nâu Tuấn Hiệp, nấm linh chi Xuân Thủy, mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, nem nấm Tuấn Hiệp, giò nấm Tuấn Hiệp.
Nhờ vậy, quanh năm Hợp tác xã luôn có nấm thương phẩm để cung ứng ra thị trường, đảm bảo nguồn cung cấp cho các đầu mối.
BIẾN RÁC “THÀNH VÀNG”
Để có được những thành công đó, nhiều năm qua, Hợp tác xã đã trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả của quy trình sản xuất cũng như chủ động được nguồn cung. Cụ thể, Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp đã đầu tư kho lạnh để bảo quản nấm sau khi thu hoạch, sơ chế, với công suất chứa 1 tấn nấm/mẻ; đầu tư máy băm nguyên liệu, máy trộn đảo mùn cưa tự động, máy đóng bịch tự động, lò sấy tiệt trùng…
Theo ông Hiệp, máy móc được sử dụng chiếm tới 80% công đoạn trồng nấm tại hợp tác xã. "Hợp tác xã đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm, nhất là trong sản xuất nấm trái vụ; chẳng hạn điều chỉnh nhiệt độ, nước tưới trên smartphone nhằm "ép" nấm phát triển theo ý đồ của mình…", ông Hiệp cho hay.
![Một trong những công đoạn sản xuất nấm tại Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_341_51437785/d3a6b1a58aeb63b53afa.jpg)
Một trong những công đoạn sản xuất nấm tại Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp
Điều đặc biệt ở Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp là cách họ biến "rác thành vàng" khi tận dụng rơm bị bỏ lại trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, tránh lãng phí cũng như giải quyết được việc gây ô nhiễm môi trường khi người dân đốt bỏ rơm rạ.
"Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân thường vứt bỏ rơm trên đồng ruộng hoặc đốt gây khói bụi, ô nhiễm môi trường. Để nguồn tài nguyên không bị bỏ rơi, lãng phí, Hợp tác xã đã đầu tư máy cuộn rơm, phục vụ cho sản xuất, qua đó giảm thiểu chi phí đầu vào", ông Hiệp cho biết.
Không chỉ sáng tạo trong khâu sản xuất, Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp còn rất tích cực trong việc phát triển sản phẩm mới và tiếp cận thị trường. Song song với trồng nấm tươi, Hợp tác xã có thêm các sản phẩm chế biến như nem nấm và giò nấm. Hai sản phẩm này hiện đã nhận được sự ưa chuộng của thị trường trong và ngoài tỉnh, càng góp phần khẳng định giá trị về mặt thương hiệu của Hợp tác xã.
Chia sẻ bí quyết, Giám đốc Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp cho biết, để thành công với nghề, các bạn trẻ cần nắm được quy trình sản xuất với 4 công đoạn sau:
Công đoạn 1: Phối trộn nguyên liệu, trong đó nguyên liệu chính là 80% rơm băm nát, 20% mùn cưa cao su hoặc các vụn keo không có độc tố. Tất cả nguyên liệu đều ở trạng thái khô rồi trộn ủ với vôi bột theo tỷ lệ 100kg nguyên liệu + 2kg vôi bột. Sau khi ủ từ 5 - 7 ngày thì đảo lại đống ủ, đồng thời điều chỉnh độ ẩm dao động từ 65 - 70%.
Công đoạn 2: Cho nguyên liệu đã phối trộn vào máy đóng bịch, mỗi bịch nặng khoảng 1kg. Vỏ bịch được sử dụng đóng phôi là túi bóng ni lông màu trắng.
Công đoạn 3: Đưa bịch phôi vào lò hấp ở nhiệt độ 100°C khoảng 10 tiếng đồng hồ nhằm xử lý triệt để vi khuẩn gây hại. Sau đó đưa bịch phôi ra ngoài để nguội trong thời gian khoảng 1 ngày.
Công đoạn 4: Cấy meo giống rồi đưa lên giá. Mọi dụng cụ cấy meo giống đều được tiệt trùng sạch sẽ. Sau khoảng 1 tháng, khi phôi bắt đầu ăn trắng thì treo lên dây, chờ nấm phát triển rồi thu hoạch.
Trong quá trình chăm sóc nấm, cần chú ý đến độ ẩm. Trung bình, mỗi ngày tưới nước 1 - 2 lần, tùy theo thời tiết.
Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp cho hay, trong 4 công đoạn nói trên, công đoạn hấp, tiệt trùng bịch phôi là công đoạn quan trọng nhất. Nếu hấp bịch phôi không kỹ, không đủ nhiệt độ thì vi khuẩn vẫn còn tồn tại, gây hại cho cây nấm phát triển.