Doanh nhân với sách và tri thức: Đọc sách trong thời đại số: Doanh nhân chọn gì? (Bài 9)
Khi mà màn hình điện thoại, máy tính bảng và laptop dường như đã thay thế mọi hình thức giải trí, học hỏi trước đây, thì vẫn có một nhóm người đặc biệt, những doanh nhân hàng đầu, luôn kiên trì với thói quen đọc sách, và coi đó là một trong những chìa khóa quan trọng nhất giúp họ thành công. Họ đọc để phát triển bản thân, để nhìn thấy bức tranh lớn hơn của môi trường kinh doanh mà họ đang tham gia.
Chúng ta hãy bắt đầu với một cái tên rất quen thuộc trong giới doanh nghiệp Việt Nam: Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên. Ông nhấn mạnh rằng, đọc sách là một phương tiện giúp mở rộng tầm nhìn và tư duy sáng tạo. Mỗi một cuốn sách giống như một cánh cửa mới được mở ra, cho phép người đọc khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng phát biểu một câu rất nổi tiếng: “Mỗi ngôi nhà nên có một thư viện. Thư viện là nơi chứa đựng tri thức, là nguồn ánh sáng giúp người đọc khám phá bản thân mình”.
Với ông Vũ, tủ sách của một người phản ánh phần nào tính cách và sự hiểu biết của chủ nhân nó. Điều thú vị là, dù là một doanh nhân thành đạt, sống trong thời đại mà thông tin có thể tiếp cận chỉ bằng một cái chạm trên màn hình điện thoại, ông Vũ vẫn trung thành với sách giấy. Với ông, cầm một cuốn sách trên tay, lật từng trang, cảm nhận mùi giấy, chất lượng in ấn, là một trải nghiệm không gì thay thế được. Sách điện tử, audiobook có thể tiện lợi, nhưng với ông Vũ, đó vẫn là một trải nghiệm “lẻ bóng”, thiếu đi sự kết nối cảm xúc giữa người đọc và sách.

Sách là một trong những chìa khóa giúp doanh nhân thành công
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, lại có một cách tiếp cận rất hiện đại với việc đọc sách. Theo ông Vượng, thời đại số đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận sách. “Ngày nay, việc đọc sách đã khác xưa rất nhiều. Chúng ta không cần phải đến nhà sách, tìm kiếm sách giấy nữa, mà có thể đọc qua điện thoại hay máy tính bảng rất tiện lợi” ông chia sẻ trong một buổi nói chuyện với giới trẻ. Với một người bận rộn như ông Vượng, việc có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi, từ trên đường đi công tác, cho đến lúc chờ máy bay, là một lợi thế không thể phủ nhận. Sách điện tử và audiobook chính là người bạn đồng hành không thể thiếu của ông trong những năm gần đây.
Với ông Vượng, đọc để phát triển tư duy chiến lược và quản lý trong doanh nghiệp. Những cuốn sách về kinh tế vĩ mô, quản trị doanh nghiệp hiện đại, công nghệ tương lai... luôn được ông ưu tiên. Chính nhờ việc liên tục cập nhật tri thức từ sách, ông mới có thể đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt cho Vingroup, từ việc chuyển hướng sang bất động sản nghỉ dưỡng, đến đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và y tế. Điều thú vị là, dù ủng hộ sách điện tử, ông vẫn không từ chối sách giấy. Với ông, sách giấy được dùng khi ông cần nghiên cứu thật sâu một chủ đề nào đó. Sự kết hợp giữa công nghệ và truyền thống này cho thấy, trong thời đại số, các doanh nhân hoàn toàn có thể linh hoạt trong cách tiếp cận tri thức, miễn sao đạt được hiệu quả tối ưu.
“Là một doanh nhân, tôi luôn tìm cách học hỏi và tiếp thu kiến thức mới. Thời đại số đã mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận sách và tài liệu học hỏi một cách dễ dàng hơn rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air chia sẻ. Với bà Thảo, ngoài đọc sách về kinh doanh, doanh nhân cần đọc những cuốn sách về tâm lý học, về nghệ thuật giao tiếp. Một chi tiết rất đáng chú ý là, dù rất bận rộn với công việc điều hành hãng hàng không, bà Thảo vẫn dành ra ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để đọc sách, bất kể là trên máy bay, trong giờ nghỉ trưa, hay trước khi đi ngủ. Và với bà, không có sự phân biệt giữa sách giấy hay sách điện tử, cái nào tiện thì dùng. Nhưng bà có một thú nhận rất thú vị: những cuốn sách thực sự có giá trị, giúp bà thay đổi tư duy và cách làm việc, thì hầu hết đều là sách giấy. “Có cái gì đó rất đặc biệt khi mình cầm sách giấy trên tay, nó giúp mình tập trung hơn”, bà nói.
Một cái tên nữa không thể không nhắc đến trong danh sách những doanh nhân yêu thích đọc sách là Trương Gia Bình, người sáng lập và Chủ tịch FPT. “Là một doanh nhân trong ngành công nghệ, tôi nhận thấy rằng việc đọc sách, đặc biệt là sách chuyên ngành và sách về công nghệ, đóng vai trò cực kỳ quan trọng”, ông chia sẻ trong một phỏng vấn. “Trong thế giới thay đổi nhanh chóng như ngày nay, nếu không không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau rất xa”. Câu nói của ông Bình rất đáng suy ngẫm, đặc biệt trong một thời đại mà công nghệ mới ra đời gần như mỗi ngày. Trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data... là những chủ đề ông Bình liên tục tìm đọc trong những năm gần đây.
Nhưng điều thú vị là, dù FPT là một tập đoàn công nghệ, ông chủ của nó lại không hoàn toàn phụ thuộc vào sách điện tử. “Các nền tảng số giúp tôi tiếp cận sách và tài liệu nhanh chóng, nhưng khi cần nghiên cứu sâu, tôi vẫn thích sách giấy”, ông nói. Lý do rất đơn giản: sách giấy giúp ông Bình có thể ghi chú, highlight, thậm chí viết vẽ trực tiếp lên sách, một cách tương tác mà sách điện tử hiện vẫn chưa thể làm được hoàn hảo. Với ông Bình, việc đọc sách không chỉ là thu nạp kiến thức, mà còn là một quá trình đối thoại với tác giả, với chính mình. Và sách giấy cho phép ông làm điều đó tốt hơn.
Lê Viết Hải, người sáng lập Hòa Bình Group cũng có quan điểm rất tương đồng. Ông Hải chia sẻ rằng, trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn tìm kiếm những cuốn sách có thể giúp ông phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý. “Các công cụ số đã giúp tôi tiếp cận sách một cách dễ dàng hơn, nhưng tôi vẫn yêu thích cảm giác cầm trên tay một cuốn sách giấy, cảm nhận những giá trị sâu sắc mà mỗi trang sách mang lại”, ông nói. Với ông Hải, việc duy trì thói quen đọc sách giúp ông cải thiện khả năng quản lý dự án và có cái nhìn tổng quan hơn về ngành xây dựng, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả cho công ty.
Nhìn chung lại, có một điểm chung rất rõ ràng giữa các doanh nhân hàng đầu này: họ đều nhận thức rằng việc đọc sách là công cụ quan trọng bậc nhất giúp họ duy trì sự sáng tạo, phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý và đưa ra các quyết định đúng đắn trong công việc. Dù công nghệ số đã mang lại rất nhiều tiện ích trong việc tiếp cận sách - từ sách điện tử, đến audiobook nghe mọi lúc mọi nơi - thì sách giấy truyền thống vẫn giữ một vị trí rất đặc biệt trong cuộc sống của họ. Không phải ngẫu nhiên mà trong một thế giới đang bị chi phối bởi mạng xã hội, bởi thông tin đứt gãy từng giây từng phút, các doanh nhân này vẫn chọn cho mình một lối đi riêng: dành thời gian cho sách. Và chính sự kết hợp này đã tạo ra một vòng tròn hoàn hảo: đọc sách -> áp dụng kiến thức -> ra quyết định -> phát triển doanh nghiệp -> quay lại đọc sách để tiếp tục phát triển.
Trong thời đại có quá nhiều thứ cạnh tranh sự chú ý của mình, thì việc chọn sách để đọc chính là một hành động có chủ đích. Đó là lựa chọn của những người hiểu được giá trị của tri thức, của thời gian, và của chính cuộc sống mình đang sống. Và cuối cùng, có một điều chắc chắn, những giá trị sâu sắc, những bài học kinh điển, những tư duy lớn giúp thay đổi cuộc đời... vẫn luôn nằm trong những trang sách. Dù đó là sách giấy hay sách điện tử, điều không đổi là tác động mạnh mẽ của sách lên tâm trí và hành động của người đọc. Các doanh nhân thành công hiểu rõ điều này, và chính vì thế, họ không bao giờ ngừng đọc.