Doanh nhân Hồ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TripHunter: Khát khao phụng sự luôn là ngọn lửa dẫn đường

Tư duy công nghệ cùng khát khao kiến tạo và phụng sự đã thôi thúc doanh nhân Hồ Anh Tuấn bước vào cuộc chơi chuyển đổi số bằng trí tuệ nhân tạo (AI), khởi đầu hành trình nâng cấp toàn diện ngành du lịch Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Doanh nhân Hồ Anh Tuấn (thứ hai, từ phải sang) nhận giải quán quân tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Startup Hunt năm 2019.

Doanh nhân Hồ Anh Tuấn (thứ hai, từ phải sang) nhận giải quán quân tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Startup Hunt năm 2019.

Cầu nối công nghệ

“Du lịch là trải nghiệm. Thay vì 30 tiếng, giờ đây, với TripHunter, bạn chỉ cần 30 giây để lên kế hoạch cho chuyến du lịch của mình. TripHunter ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đó của các phượt thủ”, doanh nhân Hồ Anh Tuấn chia sẻ.

Không học kinh doanh, cũng không xuất thân từ ngành du lịch, nhưng với 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, anh Tuấn luôn ấp ủ giấc mơ làm ra một sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” có thể vươn ra thị trường quốc tế.

Qua nhiều chuyến đi thực tế, anh nhận thấy, để chuẩn bị một hành trình du lịch tự túc, hầu hết du khách phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tính toán và lên kế hoạch. Nhìn từ góc độ công nghệ và thị trường, anh cho rằng, đây chính là cơ hội. Bằng việc sử dụng AI và dữ liệu lớn (big data), anh quyết tâm phát triển một nền tảng hỗ trợ khách du lịch có thể lên lịch trình chỉ trong vòng 30 giây.

Ra mắt năm 2017, ban đầu, TripHunter tập trung vào việc hướng dẫn du khách đi du lịch tự túc, cung cấp thông tin về điểm tham quan, quán ăn, khách sạn; gợi ý thời gian phù hợp, phương tiện di chuyển, lịch trình và chi phí. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng, nhập điểm đến, ngày đi và chọn “Tạo tự động”. Trong vòng 30 giây, một lịch trình tối ưu sẽ mở ra, nhờ vào hệ thống thuật toán phân tích hành vi và sở thích từng cá nhân. Nếu không hài lòng với gợi ý, người dùng có thể thiết kế hành trình riêng, được hỗ trợ tính toán thời gian di chuyển, giờ mở cửa, gợi ý dịch vụ phù hợp…

TRÒ CHUYỆN CÙNG DOANH NHÂN HỒ ANH TUẤN

Khởi nghiệp với công nghệ và AI là hành trình đầy thách thức. Anh có chia sẻ gì khi nhìn lại chặng đường đã qua?
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã khó, khởi nghiệp với AI lại càng khó hơn. Tỷ lệ thất bại của một start-up công nghệ có thể lên đến hơn 90%, nhưng nếu có hệ sinh thái tốt, vườn ươm và chính sách hỗ trợ, start-up vẫn có cơ hội thành công.
May mắn, TripHunter đã qua được thời kỳ khó khăn và đang từng bước khẳng định mình trên thị trường công nghệ. Những trải nghiệm từ TripHunter và TripApollo tạo nền tảng giúp tôi tự tin hơn khi phát triển TripHunter AI, mặc dù cũng phải đối mặt với giai đoạn “mùa đông gọi vốn” trong thời gian qua.

Anh nhìn nhận thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có TripHunter, trong thời gian tới?
Bước vào nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là yếu tố sống còn để thích ứng, tối ưu và duy trì sức cạnh tranh. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tạo cơ hội lớn, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ.
Với TripHunter, hành trình công nghệ chưa bao giờ dễ dàng, nhưng sự bền bỉ, tư duy công nghệ sâu và khát khao phụng sự vẫn luôn là ngọn lửa dẫn đường. Trong kỷ nguyên AI, chúng tôi kỳ vọng sẽ là một phần quan trọng trong tương lai vận hành thông minh, nơi con người và công nghệ cùng nhau kiến tạo trải nghiệm mới.

Rất nhiều du khách, nhất là những người trẻ tuổi, đã coi TripHunter là bạn đồng hành cho những chuyến đi. Những dòng đánh giá tích cực, những tin nhắn cảm ơn gửi về từ khắp nơi, chính là động lực để anh Tuấn và đội ngũ nỗ lực phát triển, hoàn thiện sản phẩm.

Ở giai đoạn “đỉnh cao”, TripHunter có hơn 100.000 lượt sử dụng mỗi tháng trên cả ứng dụng và website, liên kết với hàng chục đại lý du lịch trực tuyến (OTA) trong nước và quốc tế, sở hữu kho dữ liệu trên 50.000 địa điểm.

Năm 2019, TripHunter giành ngôi quán quân tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Startup Hunt, do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phối hợp cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và các đối tác tổ chức. Đây là cột mốc quan trọng, không chỉ khẳng định tiềm năng của sản phẩm, mà còn tiếp thêm niềm tin cho Hồ Anh Tuấn và đội ngũ TripHunter bước tiếp trên con đường khởi nghiệp công nghệ đầy chông gai.

Nhưng sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch gần như đóng băng. Đối mặt với thách thức sống còn, anh nhận ra, du lịch cần nhiều hơn một app đặt tour. Thay vào đó, một hệ thống thông minh có thể thay con người vận hành, tư vấn, chăm sóc, trả lời những câu hỏi của khách hàng bất kể ngày hay đêm là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Anh nhanh chóng đưa TripHunter xoay trục. Từ đó, hành trình chuyển mình sang công nghệ sâu hơn bắt đầu.

TripApollo ra đời, đóng vai trò cầu nối công nghệ với các doanh nghiệp du lịch truyền thống. Nếu như TripHunter hướng tới người tiêu dùng cuối - những khách hàng đang có nhu cầu đi du lịch, thì TripApollo là giải pháp B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), cung cấp công cụ số hóa quy trình tư vấn, đặt dịch vụ, quản lý lịch trình cho các công ty du lịch truyền thống.

Đặc biệt, sau đại dịch, nhân sự ngành du lịch sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp du lịch khó tuyển dụng nhân sự, trong khi quá trình đào tạo nhân sự mới cần nhiều thời gian, chi phí cao. Trong bối cảnh đó, giải pháp công nghệ trở thành “người thay thế” hữu hiệu, giúp doanh nghiệp tối ưu quá trình vận hành. “Các đơn vị lữ hành có lợi thế về khách hàng và sản phẩm, nhưng họ thiếu công nghệ. Chúng tôi hiểu và giúp họ lấp đầy khoảng trống đó”, anh Tuấn chia sẻ.

Cùng AI chuyển đổi ngành du lịch

Với doanh nhân Hồ Anh Tuấn, giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp mang đến bài học về sự kiên trì và nhạy bén, còn giai đoạn hậu Covid-19 là “cuộc sát hạch” về năng lực thích ứng. Vượt qua cú sốc đại dịch, anh không còn coi công nghệ như một công cụ, mà là một “bệ phóng tái sinh”.

Bài học lớn nhất mà anh rút ra khi tiếp cận thị trường người tiêu dùng cuối là phải luôn linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh theo nhịp thở thị trường. Dù ý tưởng hay, nhưng nếu không triển khai tốt, không có đủ vốn và không lắng nghe khách hàng, thì thất bại là điều khó tránh. Những bài học và va vấp thực tế đã giúp Nhà sáng lập TripHunter trở nên điềm đạm, thực tế và kiên nhẫn hơn khi bước vào hành trình công nghệ cùng AI. “Đôi khi, đi chậm lại một chút, lắng nghe kỹ hơn, mới là cách để đi xa hơn”, anh Tuấn chiêm nghiệm.

Tạm gác lại TripHunter và TripApollo, đến giữa năm 2024, Hồ Anh Tuấn đánh dấu bước chuyển mình hoàn toàn mới bằng việc ra mắt TripHunter AI, biến AI thành “nhân viên” của doanh nghiệp du lịch.

TripHunter AI là một trợ lý ảo, hoạt động 24/7, giúp doanh nghiệp du lịch tự động hóa toàn bộ quy trình, từ tư vấn, báo giá, gửi hình ảnh tour, tới chăm sóc khách hàng… Đặc biệt, chatbot của TripHunter AI có thể hiểu ngữ cảnh vùng miền, đưa ra phản hồi linh hoạt và tăng tỷ lệ “chốt đơn” đáng kể.

“Chúng tôi gọi TripHunter AI là ‘nhân viên AI’, vì nó có thể thay thế 5 nhân sự, không bao giờ biết mệt, trả lời khách hàng chuẩn mực như một tư vấn viên kỳ cựu, thậm chí có thể hiểu được ngôn ngữ vùng miền, hoặc những từ viết sai chính tả”, anh Tuấn nói.

Sự ra đời của TripHunter AI là bước tiến giúp TripHunter không chỉ dừng ở vai trò một start-up công nghệ, mà đang từng bước chuyển mình thành một hệ sinh thái vận hành doanh nghiệp du lịch bằng AI.

Đến nay, ứng dụng TripHunter AI đã được hàng chục doanh nghiệp trong ngành du lịch tin tưởng sử dụng. Nhưng với anh Tuấn, điều quan trọng nhất không phải số lượng khách hàng, mà là niềm tin mà khách hàng trao gửi. Đó là động lực để anh tiếp tục lắng nghe, cần mẫn sửa code mỗi đêm để “nhân viên AI” của mình ngày càng hoàn thiện hơn.

“Tôi luôn tin rằng, AI có thể thay đổi ngành du lịch. Nhưng tôi cũng tin, nó chỉ thay đổi được khi người làm ra nó thật sự hiểu ngành, hiểu người và đau đáu muốn làm điều gì đó tốt hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Nhờ đó, từ một ứng dụng hỗ trợ các “phượt thủ”, TripHunter đã trở thành giải pháp toàn diện cho ngành du lịch Việt Nam. Đây có thể coi là phần thưởng xứng đáng cho nhà sáng lập dám nghĩ lớn, hành động nhanh và thích nghi linh hoạt.

“Không còn phải cầm tay chỉ việc, giờ đây, nhân viên AI của chúng tôi có thể hiểu ngữ cảnh, tiếp nối cuộc hội thoại với khách hàng còn đang phân vân, thậm chí đoán được khách có ý định mua hàng. Từ AI tạo sinh, AI đối thoại, đến nhân viên AI thực thụ, tất cả đang dần hiện hữu. TripHunter đã sẵn sàng để đón đầu xu thế”, Giám đốc Công ty cổ phần TripHunter tự hào nói.

TripHunter AI, như kỳ vọng của anh Tuấn, sẽ không dừng lại ở lĩnh vực du lịch. Khi đủ nguồn lực, đủ trải nghiệm và niềm tin từ thị trường, doanh nghiệp sẽ mở rộng sang các ngành dịch vụ khác. Nhưng dù hoạt động ở ngành nào, anh cũng luôn giữ vững lý tưởng ban đầu, đó là làm ra sản phẩm công nghệ Việt, vì người Việt, giúp doanh nghiệp Việt cạnh tranh và vươn xa.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-ho-anh-tuan-giam-doc-cong-ty-co-phan-triphunter-khat-khao-phung-su-luon-la-ngon-lua-dan-duong-d328037.html
Zalo