Giữ chân nhân tài Việt: Cần nhiều 'bài toán hay'
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong nhân sự kiện Vietnam Youth Global Outlook 2025 (VYGO 2025) sắp khởi động, bà Đinh Thanh Hương - Giám đốc điều hành Tri thức & Dự án tại AVSE Global cho rằng lời giải cho bài toán giữ chân trí thức Việt nằm ở những 'bài toán hay', môi trường làm việc thông thoáng và sự ghi nhận xứng đáng.
>
Thưa bà Đinh Thanh Hương, là một trong các diễn giả tại chương trình Vietnam Youth Global Outlook 2025 (VYGO 2025), bà kỳ vọng những sáng kiến, giải pháp đột phá nào sẽ được khởi xướng từ các nhà kiến tạo trẻ tham gia chương trình? Đồng thời, theo bà, kỹ năng hoặc phẩm chất quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo trẻ cần trang bị để tạo ra sự thay đổi và phát triển bền vững là gì?
Bà Đinh Thanh Hương: Ban tổ chức đã gợi ý tên gọi "Outlook", nghĩa là một tầm nhìn, một góc nhìn mới. Đây là tầm nhìn mở ra cho thế hệ trẻ, cho Việt Nam và cho thế giới. Tôi đặc biệt yêu thích từ này, đặc biệt khi nó đi kèm với từ "trẻ" và địa điểm tổ chức là Việt Nam, nơi nhìn ra thế giới. Năm 2025 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện kỷ niệm tại Việt Nam như 50 năm ngày thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả những điều đó tạo nên một khởi điểm cho một góc nhìn mới.

Bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc điều hành Tri thức và Dự án của AVSE Global.
Tôi đặc biệt yêu thích và mong muốn kết nối với thế hệ trẻ. Chương trình nên bắt đầu từ việc kể một câu chuyện tại một nơi có di sản văn hóa kép đầu tiên của Đông Nam Á là Ninh Bình. Thông điệp tại đây cần phải lấy thiên nhiên, sự bền vững và những giá trị văn hóa đích thực của con người làm điểm khởi xướng.
Kỳ vọng của tôi là về một thế giới hòa bình, tại một đất nước hòa bình bền vững dài lâu, nơi con người và thiên nhiên hòa hợp, hướng tới sự bền vững. Đây là điều quan trọng nhất. Những phẩm chất của thế hệ trẻ cần hướng tới việc xây dựng một thế giới tươi đẹp, bền vững, xanh và xoay quanh các giá trị văn hóa. Nội dung của chương trình sẽ đề cập đến sự bền vững trên nhiều khía cạnh, không chỉ đơn thuần là bền vững về thiên nhiên. Thiên nhiên luôn là nền tảng mà chúng ta phải gìn giữ để có sự bền vững, sự thư thái về tâm hồn và nguồn sinh sống dài lâu. Tuy nhiên, khía cạnh bền vững cần được hiểu rộng hơn, bao gồm giáo dục con người để có một nền giáo dục bền vững, hiểu về văn hóa bền vững, và cách các lãnh đạo trẻ sẽ dẫn dắt, kết nối những điều đó để luôn tiên phong tạo ra sự bền vững. Sự bền vững cần phải nằm trong "sổ tay" của mỗi người trẻ.
Trong đó, con người, với vai trò là người lãnh đạo và người hành động, luôn hành động và dẫn dắt, là yếu tố trung tâm. Tôi được biết ban tổ chức đã thu hút được số lượng đăng ký rất lớn từ nhiều quốc gia khác nhau, với sự cân bằng đáng kinh ngạc giữa nam và nữ (khoảng 50-50). Đây là một sự cân bằng tuyệt vời.
Với vai trò là một diễn giả, tôi kỳ vọng chương trình sẽ tạo ra một thông điệp chung về sự bền vững, một tầm nhìn chung về bền vững, đồng thời hình thành một lực lượng trẻ xoay quanh chủ đề bền vững để dẫn dắt. Lực lượng này bao gồm nhiều lớp trẻ từ các ngành nghề, quốc gia khác nhau và cân bằng cả nam lẫn nữ, tạo nên một sự hài hòa âm dương.
Theo bà, đâu là động lực lớn nhất thôi thúc các trí thức đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài như bà vẫn luôn quan tâm đến các dự án hướng về quê hương? Cộng đồng trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài hiện nay có những lợi thế nào để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Bà Đinh Thanh Hương: Tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng, mặc dù các số liệu thống kê chỉ ra nguy cơ về mạng xã hội, trò chơi điện tử, giảm hoạt động xã hội làm giảm khát vọng phấn đấu ở giới trẻ so với thế hệ trước, nhưng khi làm việc với các bạn trẻ, đặc biệt là người Việt trẻ trong và ngoài nước, tôi lại thấy một khí thế hừng hực. Có lẽ đó là sự may mắn của tôi, nhưng tôi tin chắc rằng đây là một khát khao chung, một làn sóng rất lớn. Ngay cả khi làm việc với các bạn ở Trung ương Đoàn cách đây vài ngày, tôi không thể tin được sức cống hiến của họ; họ làm việc ngày đêm. Điều đó thực sự truyền cảm hứng.
Tôi tin rằng khát khao cống hiến cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ của mình, và cao hơn là cho đất nước, cho Tổ quốc là một khát khao sâu thẳm trong mỗi người Việt Nam, mỗi người trẻ. Khi ở nước ngoài, khát khao này càng trở nên rõ rệt và mạnh mẽ hơn do nỗi nhớ quê hương. Đây là yếu tố đầu tiên – nội lực, trái tim dành cho Tổ quốc.
Thứ hai, bối cảnh Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, tích cực và đầy nhiệt huyết, với nhiều cải cách quan trọng được thực hiện cùng lúc, đã tạo điều kiện để ngọn lửa và trái tim cống hiến được trỗi dậy.
Thứ ba, mặc dù việc thu hút nhân tài đã được nói đến nhiều năm, nhưng lần này Nhà nước ta đã có những chương trình hành động và lời kêu gọi rất cụ thể, khiến mọi người cảm thấy sự cống hiến của mình được ghi nhận. Sự ghi nhận này là động lực lớn, thúc đẩy cá nhân tiếp tục đóng góp.
Cuối cùng, Việt Nam có rất nhiều "bài toán lớn" cần giải quyết. Những bài toán này đa dạng, quan trọng và cần những cách tiếp cận khác biệt, khiến mọi người cảm thấy hào hứng và muốn đóng góp. Đây là bốn yếu tố vừa mang tính dài hạn vừa phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tạo nên một hào khí lớn trong lớp trẻ Việt Nam, đặc biệt là trí thức trẻ ở nước ngoài.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc. Với vai trò là cầu nối tri thức và kinh nghiệm quốc tế, theo bà, AVSE Global và các mạng lưới chuyên gia người Việt toàn cầu có thể đóng góp như thế nào để hỗ trợ chủ trương này? Và theo bà, đâu là những yếu tố then chốt trong một chính sách đãi ngộ để có thể thực sự thu hút và giữ chân nhân tài?
Bà Đinh Thanh Hương: AVSE Global sở hữu cơ sở dữ liệu 10.000 chuyên gia và nhà khoa học, đã tham gia nhiều chương trình của chúng tôi như "Người Việt có tầm ảnh hưởng" (chọn 100 người), "Kết nối đổi mới sáng tạo" (chọn 100 người), hay chuỗi "One Global Vietnam" đi qua 25 nước và nhiều khu vực (Đông Nam Á, 5 nước Châu Âu). Chúng tôi cũng có chương trình R&D (Nghiên cứu và Phát triển) tìm kiếm 100 người sẵn sàng chuyển đổi sản phẩm khoa học thành công trình thực tiễn cho đất nước.
Đóng góp đầu tiên của AVSE Global là giới thiệu và gợi ý những con người phù hợp.
Chúng tôi có những cá nhân đã được “thử lửa”. Hiện tại, có hàng trăm thành viên của AVSE Global đang làm việc không ngừng nghỉ, mà tính theo đủ múi giờ trên các Châu lục, lúc nào cũng có người đang làm việc, hy sinh thời gian cá nhân để cống hiến cho Việt Nam. Họ tham gia vào các chủ đề tiên phong của đất nước, từ báo cáo về thương chiến với Mỹ, đường sắt cao tốc, công nghệ bán dẫn, đến kết nối vùng miền và các chương trình thực tiễn với các tỉnh thành lớn.
Về các điều kiện then chốt để thu hút nhân tài, cần phân loại theo đối tượng và độ tuổi. Đối với những người đã ổn định gia đình, có vị trí và thu nhập tốt ở nước ngoài, áp lực kinh tế sẽ ít hơn. Nhiều người thậm chí sẵn sàng cống hiến mà không đòi hỏi nhiều về tài chính, miễn là được làm những "bài toán hay". Một nghiên cứu của chúng tôi trên 31 quốc gia đã chỉ ra rằng đây là tiêu chí hàng đầu khi họ quyết định trở về.

Bà Đinh Thanh Hương cho rằng, nhiều trí thức sẵn sàng cống hiến mà không đòi hỏi nhiều về tài chính, miễn là được làm những "bài toán hay".
Với lứa tuổi trẻ hơn, yếu tố tài chính và đãi ngộ cũng rất quan trọng. Họ cần có thu nhập đủ đảm bảo việc học hành tốt cho con cái và ổn định cuộc sống. Mức đãi ngộ cần tương xứng, bởi họ có thể phải từ bỏ chế độ lương hưu, bảo hiểm đã dày công xây dựng hàng chục năm ở nước ngoài để về Việt Nam bắt đầu lại từ đầu. Mặc dù lúc đầu có thể không để ý, nhưng tác động lâu dài đến hưu trí, con cái và gia đình là có thật. Các nhà khoa học, chuyên gia giỏi không nhất thiết muốn mức lương "ngất trời", mà đơn giản là sự ghi nhận xứng đáng, một mức lương trên trung bình khá cùng với các hình thức ghi nhận khác.
Môi trường làm việc là yếu tố quan trọng không kém. Cần có cơ chế thông thoáng để ý tưởng được triển khai nhanh chóng, không bị vướng mắc bởi nhiều tầng lớp đánh giá, suy xét rủi ro. Không phải mọi nghiên cứu khoa học đều được sử dụng hết, nhưng cần có cơ chế để một ý tưởng xuất sắc có thể tạo ra đột phá mà không quá chú trọng vào việc đánh giá những thất bại nhỏ. Một môi trường thông thoáng với những cộng sự tốt sẽ giúp các chuyên gia tập trung vào những chủ đề quan trọng, tránh lãng phí thời gian.
Nhìn về tương lai 5 năm tới, bà có mong muốn hay tầm nhìn chiến lược nào cho sự phát triển của AVSE Global và mạng lưới trí thức Việt Nam toàn cầu, để tổ chức có thể đóng góp một cách sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa cho đất nước?
Bà Đinh Thanh Hương: AVSE Global vừa kết thúc 14 năm hoạt động và đang bước sang năm thứ 15. Một phần ba chặng đường đầu tập trung vào các hoạt động khoa học thuần túy (diễn đàn, hội thảo). Hai phần ba chặng đường sau này, chúng tôi đã chuyển hướng mạnh mẽ sang các chương trình mang tính thực tiễn trên nền tảng khoa học. Chúng tôi tin rằng sức mạnh khoa học, dữ liệu, tính toán số liệu, nghiên cứu sâu, phát minh sáng chế là nền tảng vững chắc để tạo ra những giá trị thực tiễn tốt.
Hiện tại, AVSE Global có năm hoạt động chính:
1. Hoạt động vĩ mô chiến lược: Chỉ trong mấy tháng chúng tôi có 20 báo cáo liên tục, trên các chủ đề chiến lược như thương chiến với Mỹ, động lực kinh tế, quy hoạch vùng miền, đường sắt cao tốc, bán dẫn, net zero carbon v.v. Mỗi chủ đề có một nhóm lớn, ít nhất 10 quốc gia tham gia để đảm bảo tầm nhìn rộng khắp. Trong đợt dịch COVID-19, chúng tôi đã có 80 báo cáo về Việt Nam và huy động được 106 tỷ đồng, trong đó 103 tỷ đồng trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh, cùng nhiều trang thiết bị y tế và vắc-xin.
2. Tư vấn cho các tỉnh thành: Chúng tôi đã tư vấn rộng khắp từ Bắc vào Nam, từ trung du miền núi phía Bắc với Yên Bái (nay thuộc Lào Cai), vào miền Trung (ví dụ Quảng Trị), và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, cùng nhiều tỉnh thành khác. Chúng tôi tìm kiếm các động lực phát triển mới, ví dụ như lấy sông Sài Gòn làm xương sống cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
3. Kết nối tri thức: Chúng tôi xây dựng các nền tảng kết nối, cơ sở dữ liệu và các chương trình lớn như "Người Việt có tầm ảnh hưởng", "Kết nối đổi mới sáng tạo toàn cầu" (tại Google APAC Singapore với 100 chuyên gia), và chuỗi "One Global Vietnam".
4. Đào tạo cấp cao: Chúng tôi có nhiều chương trình đào tạo tới cấp hội đồng quản trị, lãnh đạo các tỉnh thành, hiệu trưởng các trường đại học, và cả người đào tạo giảng viên đào tạo nghề.
5. Nghiên cứu & Phát triển: Trên nền tảng khoa học, chúng tôi tổ chức khoảng 15-16 hội thảo quốc tế hàng năm, trên nhiều chủ đề khác nhau, từ Tài chính ngân hàng, Xây dựng, Năng lượng, Y tế..., đến Biến đổi khí hậu, Phát triển bền vững. Chúng tôi cũng làm tìm kiếm các quỹ tài trợ quốc tế cho các chủ đề nghiên cứu về giáo dục, y tế và net zero carbon (bền vững môi trường).
Trong 5 năm tới, AVSE Global hướng tới:
1. Mở rộng và tăng cường mạng lưới chuyên gia: Mặc dù đã có 10.000 hồ sơ chi tiết, chúng tôi mong muốn có một cơ sở dữ liệu mạnh mẽ, được phân chia theo 10 lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam đang cần (giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, đổi mới sáng tạo, năng lượng, xây dựng, văn hóa...). Mục tiêu là kết nối các chuyên gia trí thức không biên giới, trở thành cầu nối cho các dự án và chương trình lớn của Việt Nam.
2. Tăng cường mức độ ảnh hưởng của các đóng góp: Chúng tôi mong muốn các đóng góp của mình tạo ra ảnh hưởng lớn hơn. Ví dụ điển hình là việc đề xuất và triển khai chỉ số hạnh phúc cho Yên Bái, biến nó thành chỉ số dẫn đường cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của tỉnh. Chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này, thực hiện các chương trình tư vấn có tính ứng dụng cao,.
3. Biến tri thức thành sức mạnh vô biên của Việt Nam: Mục tiêu là chuyển tri thức thành tài sản để xây dựng nền kinh tế tri thức mạnh mẽ, không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên (rừng, biển) mà cần được bảo tồn thay vì khai thác cạn kiệt. Chúng ta cần khai thác tài nguyên trí thức khắp mọi nơi để xây dựng một Việt Nam bền vững, thịnh vượng và con người hạnh phúc.
Cuối cùng, bà có thông điệp nào muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ Việt Nam, cả trong và ngoài nước, những người đang mang trong mình khát vọng cống hiến cho sự thịnh vượng của Tổ quốc?
Bà Đinh Thanh Hương: Mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và một tuổi trẻ để trải qua. Dù ở bất cứ nơi đâu, hãy làm cho tuổi trẻ đó thật ý nghĩa bằng những điều mình mong muốn và khát khao. Hãy bắt đầu từ những dự án cá nhân, vượt lên chính mình để có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế và cộng đồng trẻ Việt Nam, tạo ảnh hưởng và tiến lên. Tiếp đến, hãy đóng góp cho cộng đồng. Và lớn nhất, từ cá nhân đến cộng đồng, hãy sống vì đất nước, vì quê hương với trái tim nồng cháy của tuổi trẻ. Đừng lãng phí tuổi trẻ.