Doanh nhân David Dương: Đầu tư cho công nghệ là yếu tố quyết định thành công

Những ngày cuối năm, doanh nhân David Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty (Cty) California Waste Solutions (CWS), (tại Mỹ) và Cty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) (tại TP.HCM) có chuyến về nước. Dịp này, ông cũng chia sẻ những dự định ấp ủ trong năm mới.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CWS/VWS - David Dương

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CWS/VWS - David Dương

- PV: Năm 2024 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, ông có thể cho biết một số kết quả của CWS?

Doanh nhân David Dương: Một năm qua, trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới nhưng với tôi, điều may mắn là các dự án dang dở ở Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện. Cty đang xây dựng khu vực nạp khí nén lỏng CNG và khu vực nạp điện để tiếp nhiên liệu cho xe thu gom rác.

Theo quy định của Tiểu bang California (Mỹ), từ nay đến năm 2035, các xe thu gom rác phải chạy bằng điện. Hiện tại, CWS có dàn xe chạy bằng năng lượng sạch là khí nén lỏng CNG nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư dàn xe mới và chạy hoàn toàn bằng điện. Nhà máy phân loại tái chế tại TP.Oakland đang tiếp tục được hoàn thiện. Tuy thời gian có chậm hơn do chi phí nguyên liệu tăng, thiếu nhân công,… nhưng hợp đồng thu gom, xử lý rác của CWS với các thành phố đã ký ở Mỹ còn gần 20 năm nên chúng tôi vẫn hoạt động bình thường.

- PV: Còn hoạt động của Cty VWS như thế nào, thưa ông?

Doanh nhân David Dương: VWS đang tiếp nhận trung bình khoảng 6.700 tấn rác/ngày và xử lý theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Chúng tôi chôn lấp rác bằng công nghệ chứ không chôn lấp theo kiểu truyền thống. Trước đây, chôn lấp rác hữu cơ không gây ô nhiễm môi trường đến mức lo ngại nhưng hiện nay, thành phần rác biến chuyển theo sự phát triển của thành phố, nếu chôn lấp không có công nghệ để xử lý nguồn nước và khí metan thì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi sinh và sức khỏe con người.

Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước không chỉ là nơi tiếp nhận, xử lý hơn 70% lượng rác thải của thành phố mà còn trở thành nơi “check-in”, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các trường học, đoàn khách tham quan trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2024, hàng chục đoàn khách đã đến tham quan, học tập mô hình xử lý rác hiện đại.

Khi quyết định trở về đóng góp cho quê hương, tôi luôn mong muốn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, làm cho TP.HCM ngày càng xanh, sạch và trở thành nơi đáng sống. Thực tế đã chứng minh bằng những việc làm tâm huyết của chúng tôi. Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề môi trường nên chúng tôi muốn làm hết khả năng để môi trường trong lành hơn.

Tại Việt Nam, Cty VWS đang thực hiện theo yêu cầu của TP.HCM về thay đổi công nghệ đốt rác phát điện, hiện đã nộp tờ trình đến UBND TP.HCM và đang chờ xét duyệt. Nếu được chấp nhận và thỏa thuận giá cả, hai bên sẽ ký kết phụ lục hợp đồng và bắt tay thực hiện. Giấy phép hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có thời hạn đến năm 2055, theo yêu cầu của TP.HCM, tôi mong dự án chuyển đổi đốt rác phát điện sẽ được giải quyết nhanh hơn.

- PV: Từ nhiều năm qua, dù gặp khó khăn nhưng CWS và VWS vẫn chăm lo đời sống cho người lao động, ông có thể chia sẻ thêm về việc làm này?

Doanh nhân David Dương: Cty tại Mỹ cũng như tại Việt Nam vẫn cố gắng giữ việc làm, bảo đảm lương, thưởng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động kể cả khi kinh tế suy thoái. Hàng năm, Cty tổ chức cho tất cả gia đình công nhân viên, người lao động đi nghỉ mát, vui chơi; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động;… Vào các dịp lễ, tết,… Cty tổ chức liên hoan, quay số trúng thưởng với những phần quà có giá trị để khích lệ, động viên tinh thần người lao động.

Công việc kinh doanh có lúc thuận lợi, đôi khi cũng gặp khó khăn nhưng tôi luôn nhắc mình phải có khoảng dự trữ. Tôi cho rằng, để làm nên sự nghiệp thành công, ngoài yếu tố quyết định là đầu tư công nghệ mới, có tiềm lực về tài chính thì yếu tố con người cũng rất quan trọng. Đó là Cty có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, người lao động phải bảo đảm sức khỏe mới làm việc hết mình và gắn bó với Cty như ngôi nhà thứ 2.

Công ty VWS là một trong những doanh nghiệp đi đầu về trách nhiệm cộng đồng. Trong đợt bão Yagi vừa qua, VWS không chỉ đóng góp vật chất, hỗ trợ tinh thần cho đồng bào phía Bắc mà còn kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung sức. Trước đó, trong đại dịch Covid-19, Công ty CWS và VWS đã tài trợ nhiều trang thiết bị y tế như que test nhanh Covid-19, tặng máy thở, khẩu trang,... cho người dân gốc Việt tại Mỹ và nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam với trị giá hàng triệu USD. Vừa qua, ông David Dương cũng hứa sẽ tài trợ 5 triệu USD hỗ trợ học bổng cho Trường Đại học FulBright Việt Nam, hiện đã đóng góp 1 triệu USD, 4 triệu USD còn lại sẽ đóng góp theo mô hình đối xứng. Nếu nhà hảo tâm hỗ trợ cho trường bao nhiêu thì ông David Dương sẽ tài trợ cho trường bấy nhiêu.

- PV: Được biết, đây là năm đầu tiên đại gia đình ông đón năm mới mà không còn thân mẫu bên cạnh, ông nhớ nhất điều gì về mẹ của mình?

Doanh nhân David Dương: Năm nay là năm có nhiều mất mát với gia đình bởi người mẹ kính yêu của chúng tôi không còn nữa. Người thân trong dòng họ của tôi rất đông, nhiều năm đến Mỹ sinh sống, chúng tôi vẫn duy trì thói quen 1 năm gặp nhau từ 2 - 3 lần. Khi ấy, mẹ tôi thường nói con cháu trước tiên gặp nhau để chia sẻ, động viên, hỏi thăm, sau là giữ tình đoàn kết gia đình. Bây giờ mẹ tôi không còn nữa nên trọng trách duy trì, “giữ lửa” tình đoàn kết này trao lại cho tôi.

Ngày cuối cùng của năm cũng là sinh nhật mẹ tôi nên dịp này, chúng tôi cùng quây quần bên nhau. Vào dịp này, bà thấy con cháu đến nên vui hơn và ăn được nhiều hơn bình thường. Bây giờ có muốn thì tôi cũng không thể thực hiện được nữa.

Ba mẹ tôi hy sinh cả cuộc đời để các con có thể “an cư, lạc nghiệp”. Ông bà luôn sát cánh, hướng dẫn, dạy dỗ các con phải làm gì để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Mẹ của tôi thường cặn dặn: Tuy đã trở thành doanh nhân nhưng mình không phải chỉ biết kiếm tiền mà phải luôn nhớ về nguồn cội, đóng góp cho quê hương và giữ được truyền thống gia đình. Đây cũng là điều mà tôi ghi nhớ trong suốt hành trình lập nghiệp cũng như đầu tư cho quê hương.

- PV: Ông có những dự định gì trong năm mới, thưa ông?

Doanh nhân David Dương: Tôi mong tiếp tục đóng góp đầu tư và tái đầu tư cho quê hương trong lĩnh vực môi trường cũng như phát triển kinh tế. Tôi hy vọng năm 2025, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam và Mỹ sẽ có những sáng kiến để hợp tác sâu hơn về kinh tế và giao thương, phát triển khoa họccông nghệ. Từ đó, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu nhiều hơn, tạo thêm việc làm cho người lao động, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và phồn thịnh.

Nhân dịp năm mới, tôi chúc tất cả độc giả, người dân Việt Nam kinh tế ngày càng đi lên, có thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc!

- PV: Xin cảm ơn ông!/.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doanh-nhan-david-duong-dau-tu-cho-cong-nghe-la-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-a188813.html
Zalo