Doanh nhân bất động sản đón động lực mới từ Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân mở ra kỳ vọng lớn cho cộng đồng doanh nhân, đặc biệt tạo động lực mới với bất động sản, vốn được xem là một trong những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế quốc gia.

Đóng góp lớn, nhưng còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), năm 2023, nhóm doanh nghiệp bất động sản tư nhân là lực lượng nộp ngân sách lớn thứ 2 cả nước, với hơn 37.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong Top 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp thuế lớn nhất năm 2024, 3 doanh nghiệp có lĩnh vực cốt lõi là bất động sản. Thuế, phí từ giao dịch và các dự án bất động sản cũng luôn là nguồn thu trọng yếu của ngân sách nhiều địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Thị trường bất động sản phát triển tạo "phễu đầu ra" cho hơn 40 ngành nghề kinh doanh khác.

Thị trường bất động sản phát triển tạo "phễu đầu ra" cho hơn 40 ngành nghề kinh doanh khác.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản không chỉ trực tiếp tạo giá trị mà còn dẫn dắt hơn 40 ngành nghề liên quan, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo hàng triệu việc làm. Trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do hàng loạt điểm nghẽn kéo dài, mà nổi bật là rào cản pháp lý và thủ tục hành chính chồng chéo.

"Nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn, đang có dự án bị đình trệ nhiều năm chỉ vì vướng mắc trong khâu phê duyệt, giải phóng mặt bằng hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những điểm nghẽn này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư", ông Đính cho biết.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, liên tiếp các vụ khởi tố doanh nhân bất động sản trong vài năm qua cũng khiến nhiều doanh nhân "nín thở" và thực tế đã có những chia sẻ được tiết lộ không ít người rút khỏi thị trường và "ngồi yên không làm gì" chờ diễn biến mới.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ, mỗi doanh nhân trên thương trường đều là một "chiến sĩ", dù có thể hào nhoáng bề nổi, nhưng không ít người "ngã xuống" bởi khó khăn, rủi ro, áp lực lớn từ thực tế.

Xử lý vi phạm kinh tế: Tư duy nhân văn, khắc phục xong mới xử lý trách nhiệm

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Nghị quyết 68 đã đưa ra một số điểm mới quan trọng, bao gồm bổ sung các biện pháp chế tài ở cả ba lĩnh vực: Dân sự, hành chính và hình sự.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp hoặc doanh nhân có sai phạm về kinh tế, có thể xem xét xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc tài chính, tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả thay vì áp dụng ngay biện pháp hình sự.

Đặc biệt, với những trường hợp có thể xử lý hình sự nhưng hậu quả đã được khắc phục, Nghị quyết cho phép xem xét không khởi tố hình sự.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đánh giá, đây là bước tiến mang tính nhân văn, bởi trên thực tế, nhiều sai phạm kinh tế của doanh nhân, nhất là doanh nhân tư nhân khi bị hình sự hóa sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả doanh nghiệp. Việc cho phép doanh nghiệp sửa sai, khắc phục hậu quả, rồi mới xem xét xử lý trách nhiệm tiếp theo là hướng đi rất đáng chú ý.

"Trong các vụ án hình sự hiện nay, nếu bị cáo chủ động khắc phục thiệt hại, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu hậu quả được khắc phục hoàn toàn thì có nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Đây là vấn đề cần được làm rõ và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật sắp tới", luật sư Hà nêu quan điểm.

Cuộc "cách mạng" về cơ chế

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Phạm Anh Tuấn, CEO Bất động sản Tuấn 123 chia sẻ: Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, loại bỏ rào cản pháp lý, tạo điều kiện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đây là tín hiệu mạnh mẽ, mở ra thời cơ vàng cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc tái cấu trúc, mở rộng quỹ đất, đầu tư dài hạn và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Nghị quyết 68 được đánh giá là cuộc "cách mạng" thực sự về cơ chế đối với doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản.

Nghị quyết 68 cũng có những nội dung nói về việc cơ chế chính sách, về luật đều hướng đến việc thúc đẩy, đồng hành và tạo cơ hội cho doanh nhân, cho doanh nghiệp. Không nghiêng về hướng quản lý và đặc biệt là không tạo ra sự cản trở, mọi công dân nên mạnh dạn khởi nghiệp.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân là nội dung quan trọng. Các cơ chế chính sách, luật mới được hoàn thiện để kinh tế tư nhân thuận lợi trong việc tiếp cận vốn nhanh, nhiều và đa dạng. Nguồn tiền trong dân, tiền của nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài rất nhiều. Doanh nhân giỏi, doanh nghiệp tốt chắc chắn sẽ có vốn, sẽ có cá nhân hoặc tổ chức là đầu tư ngay. Vì thế, các doanh nhân, doanh nghiệp đừng lo thiếu vốn, chỉ cần là doanh nhân giỏi, làm cho doanh nghiệp của mình tốt lên sẽ có người đưa tiền đến tay", ông Phạm Anh Tuấn nói.

"Về tâm lý của doanh nhân bất động sản trước và sau Nghị quyết 68, tôi nhận thức có thay đổi rất nhiều, doanh nhân sẽ tự tin làm hơn. Tổng Bí thư Tô Lâm nói cấm tuyệt đối với tư duy không quản được thì cấm. Vì chỉ có thế thì mới làm được những cái điều mới, Nghị quyết được ban hành chắc chắn là rất đúng, kịp thời", ông Phạm Anh Tuấn nêu quan điểm.

Tại Tọa đàm Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68 do Vietnam Finance tổ chức ngày 13/5, luật sư Bùi Văn Thành cho rằng, Nghị quyết 68 đã tạo ra niềm tin mới cho cộng đồng doanh nhân, khi lần đầu tiên thể chế đặt trọng tâm vào việc nhìn nhận, trao quyền và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực phát triển quan trọng.

"Khi được tin tưởng, người ta sẽ dám làm, dám bỏ tiền, bỏ công sức và trí tuệ để theo đuổi mục tiêu kinh doanh bền vững. Không dừng lại ở việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, Nghị quyết 68 còn được kỳ vọng giúp loại bỏ những rào cản thể chế đang cản trở bước tiến của doanh nghiệp. Nếu cái gì là rào cản với doanh nghiệp thì cần xóa bỏ ngay.

Thể chế cần phục vụ cho sự phát triển, không phải làm chậm lại những nỗ lực của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta cần nhận ra rằng, cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp chính là tạo ra môi trường để họ tự đứng vững, vươn lên, chứ không phải chờ hỗ trợ từ các khoản vay hay ưu đãi một chiều", luật sư Thành nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính cũng nhấn mạnh, đây là "một cuộc cách mạng thực sự về cơ chế" khi lần đầu tiên có văn kiện cấp cao khẳng định mạnh mẽ vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân và đặt ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể, thực chất cho các điểm nghẽn đang tồn tại.

Ông Phạm Lâm, CEO của DKRA đánh giá, Nghị quyết 68 là bước ngoặt chiến lược, đặt nền móng cho tư duy kiến tạo, đồng thời mở đường cho các doanh nghiệp bất động sản bước vào giai đoạn phát triển mới với sự chủ động, sáng tạo và tận dụng tối đa nguồn lực.

Các doanh nghiệp đón nguồn động lực mới, sẽ có thêm niềm tin để mạnh dạn tái cấu trúc mô hình hoạt động, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường và yêu cầu phát triển bền vững.

"Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ rào cản về thể chế mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc để doanh nghiệp bất động sản kiến tạo giá trị dài hạn, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", ông Lâm chia sẻ.

Nhi Nhi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nhan-bat-dong-san-don-dong-luc-moi-tu-nghi-quyet-68-ve-kinh-te-tu-nhan-19225051406271559.htm
Zalo