Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trước 'bài toán' thuế quan từ thị trường Mỹ
Chính sách áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa tiếp tục là điểm nhấn trong chính sách kinh tế của ông Trump. Điều này khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam trong đó có mặt hàng gỗ gặp khó khăn khi vào thị trường này. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải đối phó ra sao?
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) mới công bố kết quả khảo sát nhanh (trong tháng 2/2025) giữa các hội viên AmCham cho thấy, tới 92% doanh nghiệp sản xuất của Mỹ tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời quan ngại về khả năng giá cả hàng hóa tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ.
Doanh nghiệp ngành gỗ trước nhiều nỗi lo
Ông Travis Mitchell, Giám đốc Điều hành AmCham cho biết, thuế quan của ông Trump có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Bởi vì hơn 75% doanh nghiệp trong khảo sát tin rằng việc áp thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của họ, dẫn đến áp lực tài chính và thu hẹp cơ hội tiếp cận thị trường. Tới 94% doanh nghiệp sản xuất có dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực.

Nhiều DN ngành gỗ lo ngại chính sách của ông Trump có thể dẫn đến những hành động bảo hộ, khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn khi vào thị trường Mỹ.
Không nằm ngoài cuộc, là một DN chuyên xuất khẩu đồ gỗ tại thị trường Mỹ, ông Đặng Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Forexco (Quảng Nam) cho biết DN đang đối diện không ít khó khăn bởi năm 2024, doanh thu xuất khẩu của công ty giảm gần 1/3 so với trước năm đó.
Theo ông Quang, khách hàng chủ lực của công ty tập trung tại EU và Mỹ, năm vừa qua tăng trưởng kinh tế của các khu vực này chậm lại, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua kém. Thêm vào đó, các nhà bán hàng chịu lãi suất vay quá cao, không đủ nguồn vốn để mua hàng tích trữ dài hạn.
Thời điểm hiện tại, họ mua bán thận trọng hơn, để quan sát dấu hiệu thị trường. Hệ thống phân phối chỉ lên kế hoạch bán hàng theo mùa, dẫn tới các đơn hàng nhỏ và ngắn hạn từ 3-4 tháng.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nếu trong năm 2025, Mỹ áp thuế lên tất cả các sản phẩm của Việt Nam nói chung hoặc ngành gỗ nói riêng từ 10% trở lên, thì các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp khó khăn.
Song cũng theo ông Liêm, việc Mỹ có tiếp tục áp đặt thuế quan hay không rất khó để nhận định, vì Tổng thống Donald Trump thay đổi quyết định liên tục, tương tự như trường hợp của Mexico và Canada mới đây.
Trong khi đó, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), đơn vị có trên 90% sản phẩm xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ lại tỏ ra lạc quan, cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc lại trở thành cơ hội tốt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, không chỉ riêng đồ gỗ mà còn các ngành khác như may mặc, da giày... Nhưng cũng theo đại diện DN này, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, Mifaco đang mở rộng sang các thị trường có FTA với Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế và khai thác thị trường nội địa.
Cần chủ động, linh hoạt ứng phó
Nhìn nhận về câu chuyện ứng phó thuế quan từ chính quyền Trump, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần sẵn sàng các kịch bản và phương án ứng phó, trong đó tập trung tạo cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, thúc đẩy ngoại giao, hợp tác với nước này. Ngoài ra, chúng ta cần tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu...
Đề cao tầm quan trọng về thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại với Mỹ, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản và tổng thể nhằm giải quyết mối quan ngại về thâm hụt thương mại của phía Mỹ. Chiến lược này bao gồm các giải pháp: đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu; tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ; đấu tranh chống gian lận thương mại, xuất xứ để không bị lợi dụng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và hợp tác với phía Mỹ để kịp thời nhận diện và phối hợp xử lý các vướng mắc (nếu có). Việt Nam cũng cần chuẩn bị phương án để phản ứng kịp thời, chủ động và linh hoạt trong quan hệ thương mại - đầu tư với Mỹ khi tình huống không mong muốn xảy ra.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đưa ra lưu ý, trong đó với cơ quan quản lý cần có chính sách thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sản xuất công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cao hơn, có sự kết nối, tham gia của DN tư nhân Việt Nam vào chuỗi cung ứng. Với các DN nên quay về thị trường trong nước, thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân để làm bước đệm cho sự thay đổi và biến động của kinh tế thế giới khó lường hiện nay.
Bên cạnh các giải pháp cân bằng thương mại hai chiều, việc DN cố gắng minh bạch xuất xứ hàng hóa, chuyển đổi nguồn nguyên liệu sang các thị trường khác để tránh vạ lây từ các nước bị áp thuế suất cao đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, động thái tự bảo vệ mình trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
Đơn cử như với các DN xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ, nội thất sử dụng ván ép, nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc có thể đối diện bị áp thuế nhập khẩu nguyên liệu, đẩy giá thành sản xuất tăng, khó cạnh tranh hơn. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ hiện tại là 0%, trong khi Trung Quốc là 25%.
"Do đó, lợi thế của Việt Nam cũng chính là mối lo trong bối cảnh thị trường lớn bên cạnh đang bị áp thuế cao. Để sẵn sàng ứng phó, các DN sản xuất xuất khẩu trong ngành gỗ đã có chiến lược chuyển hướng mua nguyên liệu, cụ thể là ván ép từ các nước khác trong khu vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…", ông Hoài nói.