Doanh nghiệp vượt khó với niềm tin và hy vọng

Năm 2024 được ví như 'ngọn núi thử thách' đối với các doanh nghiệp tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung với những khó khăn chồng chất. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,6% so với năm 2023, đạt mức 1.500 doanh nghiệp, nhưng chỉ bằng 81,08% so với kế hoạch đề ra. Cùng lúc, có đến 970 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, con số này tăng đáng kể 18% so với năm trước.

Giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. “Giá nông sản tăng mạnh và biến động liên tục, đặc biệt là cà phê, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và thương nhân trong trong việc dự báo, nắm bắt giá cả. Điều này khiến doanh nghiệp gặp trở ngại lớn trong việc chủ động nguồn vốn lưu động”, ông Nguyễn Xuân Lợi, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đắk Lắk, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê An Thái, chia sẻ.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn phải chịu áp lực từ tình hình tài chính eo hẹp, thị trường quốc tế bị thu hẹp, cũng như những hạn chế nội tại như: quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu. Đây là những “nút thắt” cản trở bứt phá.

Dẫu vậy, giữa “cơn sóng dữ”, vẫn có những doanh nghiệp vươn mình mạnh mẽ. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE (Đắk Lắk) là một ví dụ tiêu biểu. Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc công ty chia sẻ: “Nhờ chú trọng việc tiết giảm chi phí, tập trung dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư vào phúc lợi nhân sự, chúng tôi đã đạt mức tăng trưởng trên 15% trong năm 2024.” Ngoài ra, việc đa dạng hóa kênh bán hàng cũng giúp giảm phụ thuộc vào thị trường B2B - bán hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, thay vào đó phát triển mạnh kênh B2C - bán lẻ trực tiếp tới khách hàng và thương mại điện tử.

Công ty còn nhanh nhạy đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh và các tiêu chuẩn quốc tế như Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) và đã xuất khẩu container cà phê đầu tiên sang Hoa Kỳ và dự kiến mở rộng sang thị trường EU vào năm 2025.

Các doanh nghiệp Đắk Lắk đang nhanh nhạy đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh và các tiêu chuẩn quốc tế

Các doanh nghiệp Đắk Lắk đang nhanh nhạy đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh và các tiêu chuẩn quốc tế

Trong bối cảnh đầy thử thách, thì nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu trở thành “kim chỉ nam” của nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Đăng Phong cho biết: “Doanh nghiệp luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên hết. Việc đầu tư thiết bị, nghiên cứu công nghệ mới giúp cải tiến quy trình sản xuất, bảo đảm chế độ đãi ngộ tốt cho 183 cán bộ, công nhân viên”. Nhờ đó, Đăng Phong không chỉ giữ vững thị phần mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Cũng theo đuổi chiến lược bền vững, Công ty cổ phần Banana Brothers Farm, với mục tiêu nâng cao thương hiệu quả chuối Việt và xây dựng niềm tin với khách hàng, doanh nghiệp đã cải tiến bài bản từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm đồng bộ để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường. Banana Brothers Farm đầu tư mạnh vào quy trình sản xuất đồng bộ và công nghệ cao. Hiện tại, công ty có hơn 100ha chuối được trồng bằng phương pháp cấy mô hiện đại, thiết kế theo ô bàn cờ tại huyện M’Drắk (Đắk Lắk). Trong năm 2024, doanh nghiệp đã xuất khẩu 10.000 tấn chuối sang Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc và tạo được uy tín nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội. “Để xuất khẩu bền vững, công ty bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, từ đó tạo dựng niềm tin lâu dài với khách hàng,” bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc công ty chia sẻ.

Trước những áp lực lớn, các doanh nghiệp tại Đắk Lắk đã và đang nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chính quyền. UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh. Những chương trình như “Cà phê doanh nhân” không chỉ tạo không gian đối thoại mà còn khơi nguồn cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn về phía trước, năm 2025 được kỳ vọng là năm “bình minh sau cơn bão lớn”. Các doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin vào các biện pháp hỗ trợ từ chính quyền như chính sách thuế ưu đãi, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và thúc đẩy chuyển đổi số. Cùng với đó, đổi mới công nghệ, gia tăng tư duy xanh và mở rộng kết nối quốc tế là những chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp vươn xa hơn.

Hành trình chinh phục thử thách không chỉ là câu chuyện của riêng từng doanh nghiệp, mà còn là sự đồng hành của cả cộng đồng và chính quyền địa phương. Niềm tin và sự nỗ lực bền bỉ sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp vượt qua sóng gió, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-vuot-kho-voi-niem-tin-va-hy-vong-159779.html
Zalo