Doanh nghiệp với áp lực tỷ giá
Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, từ căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại Mỹ - Trung đến biến động mạnh của giá vàng và tỷ giá ngoại tệ. Những vấn đề đó đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Ông Bill Nguyen – Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Cainver (chuyên sản xuất và xuất khẩu gỗ) chia sẻ: “Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi như những “anh hùng thời bình” khi vượt qua khủng hoảng bằng nội lực và quyết tâm. Nhưng giờ đây, với hàng loạt biến động địa chính trị và thương mại, chúng tôi không chắc có thể tiếp tục tồn tại nếu không có sự đồng hành từ phía ngân hàng và chính quyền”. Theo ông Bill Nguyễn, rủi ro tỷ giá khiến DN xuất khẩu phải gồng mình nhiều mặt. Khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với một số mặt hàng của Việt Nam, ngay lập tức, các đối tác lớn yêu cầu đàm phán lại giá bán, thậm chí lùi thời hạn thanh toán lên đến 90 – 120 ngày. Điều này khiến DN rơi vào thế khó, vì chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi dòng tiền bị kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, trả lương và duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp chủ động các phương án để đẩy mạnh xuất khẩu trước các biến động của nền kinh tế.
Vẫn theo ông Bill Nguyễn, các DN không đòi hỏi ưu đãi vượt trội, chỉ mong được tiếp cận công cụ tài chính công bằng. Trong bối cảnh hiện nay, sự đồng hành thực chất của ngân hàng và chính quyền chính là “phao cứu sinh” để DN có thể tiếp tục đứng vững.
Dù chính sách được ban hành khá rõ ràng, nhưng thực tế, tiếp cận các công cụ phòng ngừa tỷ giá vẫn là một thách thức lớn với nhiều DN. Một DN xuất nhập khẩu cho biết, DN có nhu cầu rất lớn đối với các hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn - công cụ giúp DN chốt tỷ giá tại thời điểm hiện tại cho các giao dịch tương lai. Thế nhưng, hầu hết các ngân hàng yêu cầu phải ký quỹ 100% giá trị hợp đồng”. DN này cho khẳng định, trong bối cảnh thanh khoản eo hẹp, việc phải “đóng băng” một khoản tiền lớn chỉ để ký quỹ khiến họ mất đi cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.
Giải thích về yêu cầu ký quỹ, ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Khối Khách hàng DN Ngân hàng HDBank cho rằng, đây là một biện pháp để kiểm soát rủi ro từ phía ngân hàng. Theo ông Phương, khi DN ký hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn trong 6 tháng với ngân hàng, ngân hàng phải dành riêng một lượng ngoại tệ cho hợp đồng này. Nếu sau đó DN hủy giao dịch, ngân hàng buộc phải bán lại số ngoại tệ đó. Trong trường hợp tỷ giá giảm, ngân hàng sẽ bị lỗ. Vì vậy, việc yêu cầu ký quỹ chính là để bảo vệ ngân hàng trước những biến động không mong muốn. Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết, không phải ngân hàng nào cũng áp dụng một mức ký quỹ cứng nhắc. “Nếu DN có lịch sử tín dụng tốt, dòng tiền ổn định và uy tín cao, chúng tôi hoàn toàn có thể linh hoạt, thậm chí không yêu cầu ký quỹ” - ông Phương nhấn mạnh.
Trước những lo ngại của DN, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn bám sát nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Mục tiêu điều hành xuyên suốt của ngành ngân hàng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá không thể giữ cố định một cách máy móc mà phải có sự điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.
Theo ông Lệnh, hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng khi DN cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ. Ông lệnh khuyến cáo các DN sử dụng công cụ phái sinh như hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, DN xuất khẩu hiện nằm trong 5 nhóm ngành ưu tiên được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm. Đây là chính sách nhằm hỗ trợ DN ổn định vốn, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, DN có thể chủ động lựa chọn vay vốn bằng VND hoặc ngoại tệ, tùy theo nhu cầu thực tế giúp linh hoạt hơn trong điều hành tài chính.