Doanh nghiệp Việt Nam: Thế hệ tiên phong trong kỷ nguyên dân tộc vươn mình

Song hành cùng khát vọng thịnh vượng của một quốc gia là đội ngũ doanh nghiệp 'đầu tàu' có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, tạo nên những thương hiệu quốc gia bền vững, mang trong mình khát vọng, hình ảnh của cả dân tộc.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thế hệ tiên phong trong kỷ nguyên dân tộc vươn mình

Song hành cùng khát vọng thịnh vượng của một quốc gia là đội ngũ doanh nghiệp “đầu tàu” có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, tạo nên những thương hiệu quốc gia bền vững, mang trong mình khát vọng, hình ảnh của cả dân tộc.

Kiều Chinh

Chia sẻ với Mekong ASEAN nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024) ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu.

Sự phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2024 được ADB chỉ ra với nhiều dấu hiệu tích cực như kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024, gần gấp đôi mức 3,7% của năm trước. Kim ngạch thương mại phục hồi nhanh chóng, xuất khẩu tăng 14,5% so với năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng 17%, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 11,6 tỷ USD.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024. Giải ngân FDI tăng lên 10,8 tỷ USD, cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm trước; đây là mức giải ngân nửa đầu năm cao nhất trong 5 năm qua.

Trong 8 tháng, Việt Nam có hơn 168.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó có gần 111.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2024 là 2,01 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 994.686 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Chuyên gia ADB bày tỏ lạc quan vào tăng trưởng, song nhìn nhận một điểm yếu cố hữu trong cơ cấu kinh tế Việt Nam đang bộc lộ ngày một rõ nét. Khu vực FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam bởi 72% xuất khẩu phụ thuộc vào FDI. Tuy nhiên, việc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng nảy sinh nhiều hạn chế, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội địa.

Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa. Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới, chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Không những vậy, bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp nội địa cũng bộc lộ nhiều yếu điểm.

Nghị quyết số 41-NQ/TW và quan điểm mới về phát triển doanh nghiệp

Nói về sự chuyển dịch của các doanh nghiệp và đầu tư trong thời kỳ mới, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, trước đây, Việt Nam chú trọng thu hút FDI về mặt số lượng, bởi giai đoạn đầu mong muốn có nhiều nhà đầu tư vào cung ứng vốn, đồng thời sử dụng lao động trong nước. Nhưng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, việc thu hút FDI phải hướng đến chuyển giao công nghệ, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị.

Với định hướng trên, trong cuộc chơi mới, các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò là những doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, lan tỏa và tạo thành chuỗi giá trị. Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới theo đó cũng gắn với tiêu chí hàng đầu là công nghệ, với mục tiêu có thể đưa doanh nghiệp trong nước trở thành “vệ tinh”, tham gia vào sản xuất các khâu phụ trợ và nắm bắt công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI.

Nghị quyết số 41-NQ/TW cho thấy Đảng rất quyết tâm, kiên định phát triển đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết không chỉ khẳng định dấu ấn sự phát triển, ghi nhận đóng góp của đội ngũ doanh nhân, mà quan trọng hơn là đề ra những yêu cầu, đòi hỏi mới và cả một niềm hy vọng về sự đóng góp mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa của lực lượng nòng cốt này trong việc hiện thực hóa khát vọng của quốc gia, dân tộc.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, kinh nghiệm thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp “đầu tàu” hay “sếu đầu đàn”, tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao như Vingroup, FPT, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk, TH… ghi dấu ấn ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới sẽ cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tư nhân lớn, những tập đoàn với thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế, góp phần tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động của thị trường. Các doanh nghiệp lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước, thực hiện được khát vọng để Việt Nam thực sự đi cùng với thời đại, thậm chí tiên phong trong thời đại.

Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng đặt ra một số vấn đề rất mới trong xây dựng đội ngũ doanh nhân. Theo đó, đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghị quyết nhấn mạnh đến xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.

Nhấn mạnh Nghị quyết 41 không chỉ là một văn bản định hướng mà còn là một bước tiến lớn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân; mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, trở thành động lực phát triển chính của nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành gửi gắm thông điệp quan trọng, việc cải cách thể chế, với trọng tâm là sự minh bạch, đơn giản hóa quy trình và phù hợp với thực tế thay đổi nhanh chóng là yếu tố quyết định để hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết.

Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân cần có động lực mạnh mẽ hơn để phát triển, với sự hỗ trợ cụ thể từ chính sách và môi trường kinh doanh. Sự lớn lên của doanh nghiệp cũng không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ bởi hội nhập là phải cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải coi sự ưu đãi từ chính sách là phần nổi, sâu xa hơn vẫn là sự chủ động và tự lực của doanh nghiệp, phải luôn linh hoạt, chấp nhận rủi ro, để tìm cách lớn mạnh và vươn xa.

Việc lớn, việc khó, việc mới cần 'bàn tay' doanh nghiệp tư nhân

Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước ngày 21/9: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đã đến lúc tin tưởng, trao quyền nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân tham chiến ở những việc lớn, việc khó, việc mới.

Thời gian qua, khu vực tư nhân tại Việt Nam đã đóng góp nguồn lực rất lớn vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo của kinh tế Việt Nam, nhất là hạ tầng. Một số đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Nghi Sơn - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo… thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; Cảng cạn ICD Vĩnh Phúc hay Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng,... là những dự án điển hình đã có sự góp mặt của khối kinh tế tư nhân.

Do đó, theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, cần có cơ chế, chính sách tạo “luật chơi” để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án quan trọng, bởi họ không chỉ có khát vọng làm giàu cho bản thân, cho nhóm giai tầng mà còn muốn đưa thương hiệu Việt vươn xa, khẳng định vị thế, tầm vóc và bản lĩnh người Việt.

Nhận định được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu trong báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" dựa trên khảo sát hơn 2.730 doanh nghiệp thực hiện cuối năm ngoái cho thấy, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi xanh chưa cao, trên 60% cho biết "chưa chuẩn bị gì" cho quá trình này.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc các doanh nghiệp trong nước gần như chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra sức ép rất lớn trong tương lai. Việc này càng áp lực khi các quy định giảm phát thải về 0 tại châu u, Mỹ, cũng như Việt Nam hết thời gian chuyển tiếp và sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh, cần thúc đẩy nhanh các chương trình nâng cao năng lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với cuộc chơi mới. Các chính sách mới cần tập trung vào tài chính xanh, nhân lực, thị trường tín chỉ carbon và chuyển đổi công nghệ - năng lượng.

Những tín hiệu tích cực đầu tiên là, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những quy định cụ thể về chuyển đổi xanh với những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để xác định thế nào doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh… để hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh; thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

“Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, để phát huy sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của khu vực kinh tế này liên tục, kịp thời, mạnh mẽ,” TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.

KIỀU CHINH

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-viet-nam-the-he-tien-phong-trong-ky-nguyen-dan-toc-vuon-minh-34136.html
Zalo