Doanh nghiệp Việt Nam cần được đối xử bình đẳng hơn

Ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trong kết luận công bố ngày 2-8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường (KTTT). Trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc công nhận Việt Nam là nền KTTT không làm bóp méo thương mại giữa hai nước, mà chỉ để các doanh nghiệp Việt Nam được đối xử một cách bình đẳng hơn.

Phóng viên (PV): Việc có hay không được công nhận là nền KTTT sẽ tác động thế nào tới thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, thưa ông?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính toán biên độ trong các vụ việc chống bán phá giá/trợ cấp khiến mức thuế bán phá giá/trợ cấp tăng cao. Việc này phản ánh chưa thực sự chính xác chi phí và tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp xuất khẩu.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp dụng phương pháp này kể từ vụ đầu tiên với cá tra-basa Việt Nam năm 2002, sau đó duy trì tiền lệ này trong tất cả các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị điều tra chống bán phá giá/trợ cấp mới bị ảnh hưởng bởi quy định này.

 Chỉ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị điều tra chống bán phá giá/trợ cấp mới bị ảnh hưởng khi Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong ảnh: Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: NAM LONG

Chỉ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị điều tra chống bán phá giá/trợ cấp mới bị ảnh hưởng khi Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong ảnh: Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: NAM LONG

PV: Hoa Kỳ nêu 6 yêu cầu để công nhận một nước có nền KTTT. Việt Nam đã nỗ lực thế nào trong những năm qua để đáp ứng các yêu cầu này của Hoa Kỳ, thưa ông?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã cam kết để các nước thành viên WTO đối xử với Việt Nam như một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá/trợ cấp trong vòng 12 năm (đến hết ngày 31-12-2018). Tuy nhiên, qua thời hạn này, Hoa Kỳ không tự động công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam mà tiếp tục xem xét dựa trên 6 tiêu chí theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.

Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành lập Nhóm công tác song phương về vấn đề KTTT, đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin, giúp Hoa Kỳ cập nhật về tình hình KTTT của Việt Nam, tạo tiền đề cho Hoa Kỳ có cơ sở nhìn nhận và xem xét lại vấn đề KTTT cho Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi trong khuôn khổ Nhóm công tác song phương về vấn đề KTTT không thay thế cho quy trình Bộ Thương mại Hoa Kỳ rà soát chính thức để công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam theo quy định của Hoa Kỳ mà chỉ là bước chuẩn bị cho quy trình này.

Trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, gần một năm qua, Chính phủ Việt Nam (cụ thể là Bộ Công Thương) đã tham gia đầy đủ các giai đoạn của vụ việc rà soát thay đổi hoàn cảnh để đề nghị Hoa Kỳ xem xét việc công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT theo đúng quy định pháp luật của Hoa Kỳ (bao gồm nộp yêu cầu đề nghị xem xét quy chế KTTT, xây dựng lập luận đầu tiên, lập luận phản biện, lập luận về cáo buộc của ngành sản xuất cá tra-basa Hoa Kỳ, tham gia phiên điều trần công khai), để chứng minh Việt Nam đáp ứng 6 tiêu chí theo luật định Hoa Kỳ khi công nhận một quốc gia có nền KTTT.

Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra. Các bản lập luận mà Bộ Công Thương Việt Nam cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện 6 tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền KTTT; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền KTTT. Chính vì vậy, căn cứ các tiêu chí cụ thể của luật pháp Hoa Kỳ, việc công nhận nền KTTT đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.

PV: Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ từng vượt qua nhiều trở ngại, những kinh nghiệm này giúp gì trong việc hai bên làm việc để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền KTTT, thưa ông?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Theo thống kê của WTO, Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp PVTM nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với Việt Nam (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM và 3 vụ việc tự vệ.

Việc Bộ Công Thương tham gia trực tiếp trong 11 vụ việc điều tra chống trợ cấp và đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia những vụ việc PVTM đã giúp Bộ Công Thương hiểu các trình tự, quy định của Hoa Kỳ trong những vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, trong quá trình Hoa Kỳ sửa đổi pháp luật, quy định liên quan về điều tra các vụ việc PVTM, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu, bày tỏ ý kiến, quan điểm với Bộ Thương mại Hoa Kỳ về những nội dung sửa đổi, nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp ta khi tham gia các vụ việc PVTM của Hoa Kỳ.

Việc công nhận Việt Nam là nền KTTT không làm bóp méo thương mại giữa hai nước, mà chỉ để các doanh nghiệp Việt Nam được đối xử một cách bình đẳng hơn trong các vụ điều tra PVTM của Hoa Kỳ. Công nhận Việt Nam là nền KTTT không tước đi của các nhà sản xuất Hoa Kỳ quyền yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp PVTM như họ đã và đang làm đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nền KTTT khác.

Thực tế là, 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại tại Việt Nam và Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền KTTT, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như: Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ ...

Hiện nay, Hoa Kỳ chưa ban hành kết luận và báo cáo đánh giá vấn đề KTTT của Việt Nam, sau khi Hoa Kỳ ban hành kết luận, Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin báo chí.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGỌC HƯNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-viet-nam-can-duoc-doi-xu-binh-dang-hon-788082
Zalo