Doanh nghiệp Việt khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế nhờ chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đằng sau những thành công là không ít thách thức, đặc biệt là rào cản về công nghệ, nhất là công nghệ lõi và công nghệ độc quyền - những yếu tố sống còn để duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững.

Từ chất lượng đến thương hiệu

Trên các kệ hàng siêu thị, người tiêu dùng Việt ngày càng dễ dàng nhận thấy sự hiện diện nổi bật của các thương hiệu nội địa như Vinamilk, TH True Milk, Biti’s, May 10, Minh Long… Điều này phần nào phản ánh sự thay đổi tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp Việt, thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ, họ lựa chọn cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị gia tăng.

Nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đã có chỗ đứng trên thị trường

Nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đã có chỗ đứng trên thị trường

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng là “con đường bắt buộc” nếu muốn chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ quan tâm đến giá mà còn yêu cầu cao về nguồn gốc, an toàn, môi trường và trách nhiệm xã hội của sản phẩm. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt nếu biết đầu tư đúng hướng.

Bà Đào Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thép Poshaco khẳng định, công nghệ mạ GLMAG không đơn thuần là một công nghệ, đó là thành quả từ hành trình dài đầy nỗ lực, là lời khẳng định rằng người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ lõi trong ngành vật liệu xây dựng, điều mà không nhiều doanh nghiệp Việt kiên trì và theo đuổi được. Tập đoàn Poshaco đã làm chủ được công nghệ lõi để đưa thương hiệu Việt vươn tầm.

Một ví dụ khác là TH True Milk, với khẩu hiệu “Thật sự thiên nhiên”, đã đầu tư hơn 1,2 tỷ USD để xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao tại Nghệ An. Doanh nghiệp này sử dụng hệ thống quản lý bò sữa bằng chip điện tử và phần mềm theo dõi sức khỏe, sản lượng từng cá thể - công nghệ từng được coi là độc quyền ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực để chạy đua công nghệ như Thép Poshaco hay TH True Milk.

Đầu tư công nghệ là xu hướng phát triển bền vững

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hơn 70% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2 - 3 thế hệ so với thế giới. Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp được đánh giá là có đầu tư bài bản vào đổi mới công nghệ.

Doanh nghiệp cần phải làm chủ công nghệ cốt lõi

Doanh nghiệp cần phải làm chủ công nghệ cốt lõi

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group chia sẻ, đổi mới công nghệ là con đường tất yếu để cạnh tranh, nhưng đầu tư vào công nghệ lõi hoặc sở hữu trí tuệ là rất tốn kém. Thaco đã phải mất gần 20 năm mới hình thành được chuỗi sản xuất cơ khí đồng bộ, trong đó có nhiều hạng mục phải hợp tác chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ rằng họ gặp khó trong tiếp cận các công nghệ hiện đại do chi phí quá cao, thiếu nhân lực kỹ thuật và đặc biệt là rào cản sở hữu trí tuệ. Những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay từ dây chuyền tự động hóa cho đến AI, blockchain truy xuất nguồn gốc hay công nghệ vật liệu mới đều nằm trong tay các tập đoàn lớn nước ngoài, đòi hỏi chi phí bản quyền và chuyển giao lớn.

TS. Trần Quang Tuyến, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, doanh nghiệp Việt rất năng động và sáng tạo, nhưng yếu về nền tảng công nghệ. Muốn xây dựng thương hiệu quốc gia thực sự, doanh nghiệp không thể chỉ dừng ở chất lượng sản phẩm mà phải làm chủ công nghệ cốt lõi. Việc lệ thuộc vào công nghệ nhập khẩu khiến sản phẩm khó bứt phá về năng suất và giá trị.

Nhà nước cần có chiến lược bài bản để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là nơi doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các quỹ đầu tư công nghệ phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, cần có cơ chế tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào R&D và công nghệ xanh.

Hiện nay, một số chương trình như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã được triển khai. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, quy trình tiếp cận còn phức tạp và chưa thực sự thân thiện với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào công nghệ chế biến mía đường chất lượng cao, nhưng hiện chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để giảm rủi ro ban đầu. Nếu có thêm các hình thức bảo lãnh tín dụng hoặc đồng tài trợ nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong việc đi vào chiều sâu.

Việc khẳng định thương hiệu Việt bằng chất lượng là tín hiệu đáng mừng, nhưng để thương hiệu ấy thực sự “trường tồn” và có sức cạnh tranh toàn cầu, công nghệ là điều không thể bỏ qua. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong tìm kiếm đối tác công nghệ, đầu tư vào đào tạo nhân lực kỹ thuật và nâng cao năng lực R&D nội bộ.

Việc khẳng định thương hiệu Việt bằng chất lượng là tín hiệu đáng mừng

Việc khẳng định thương hiệu Việt bằng chất lượng là tín hiệu đáng mừng

Đồng thời, Nhà nước cũng cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả và tiếp cận dễ dàng hơn. Chỉ khi doanh nghiệp Việt làm chủ được công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi, độc quyền thì thương hiệu “Made in Vietnam” mới có thể vững vàng trên thị trường thế giới.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-viet-khang-dinh-thuong-hieu-bang-chat-luong-san-pham-164154.html
Zalo