Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó với rào cản phòng vệ thương mại

Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh và khó lường, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Đặc biệt là trước xu hướng bảo hộ gia tăng đã khiến hàng hóa Việt Nam đối diện với nhiều cuộc phòng vệ từ thị trường xuất khẩu.

Để ứng phó với những rào cản, thách thức này, các chuyên gia cho rằng, việc chủ động của doanh nghiệp trước các vụ việc là rất cần thiết cùng với đó là phòng vệ từ sớm, từ xa.

Doanh nghiệp một số ngành tại Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp một số ngành tại Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng vệ thương mại.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2024, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam gia tăng đáng kể với tổng cộng 28 vụ việc. Riêng Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra. Các cuộc điều tra PVTM không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Như, điều tra kép cùng một sản phẩm; phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao đến kim ngạch xuất khẩu thấp.

Cùng với đó, trong năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh và khó lường, sẽ tạo dựng một bối cảnh mới cho PVTM toàn cầu. Do vậy, các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM ngày càng nhiều, cùng với đó, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên. Và một số xu hướng điều tra có thể kể tới như: Các nước áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, thông qua việc sử dụng các quy định về nền kinh tế phi thị trường, tình hình thị trường đặc biệt; yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc PVTM..

Mặc dù đối diện với nhiều thách thức và các vụ việc PVTM, song trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác phòng vệ từ sớm, từ xa. Hiện tại, Cục PVTM đang theo dõi biến động của hơn 300 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có tần suất điều tra PVTM lớn. Cùng với việc tăng cường cảnh báo sớm, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý và chấm dứt gần 50% số vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng và nhiều vụ việc trong năm 2024 đạt được kết quả tích cực.

Về những cảnh báo sớm trước nguy cơ bị điều tra PVTM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu cả ngành, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra. Tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam phải luôn đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường này. Song những cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra PVTM sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhằm vượt qua các vụ kiện và đạt được kết quả tốt nhất. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, việc nâng cao năng lực ứng phó điều tra PVTM của doanh nghiệp thủy sản cần phải đẩy mạnh.

Với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, mặc dù là ngành đi sau trong việc đối diện với các vụ kiện PVTM nhưng hiện nay số vụ điều tra PVTM đối với sản phẩm gỗ đang gia tăng cao. Trước việc dồn dập đương đầu các vụ kiện PVTM, các doanh nghiệp đã chủ động đăng ký tham gia nhằm tạo sức mạnh "bó đũa" ứng phó với điều tra PVTM. Theo ông Hoài, trước các vụ điều tra PVTM doanh nghiệp không thể đứng riêng lẻ mà cần tập hợp lại, tạo sức mạnh "bó đũa" để ứng phó hiệu quả. "Chúng ta không thể phó mặc tất cả vụ việc cho luật sư xử lý, bởi không ít trường hợp "tiền mất tật mang", ông Hoài nói.

Với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, thép là sản phẩm thường xuyên có liên quan đến các vụ việc PVTM. Từ các vụ việc kháng kiện, doanh nghiệp thép đã rút ra được một số kinh nghiệm để có thể chủ động trong việc ứng phó với các vụ việc.

Chuyên gia PGS. TS Ngô Trí Long cũng lưu ý rằng, từ thực tế hàng hóa một số quốc gia đang bị Hoa Kỳ áp thuế, các cơ quan chức năng Việt Nam cần rà soát kỹ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tránh tối đa rủi ro đến từ việc hàng hóa Việt có thể bị cảnh báo về nguy cơ chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để né thuế, dẫn đến các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn.

Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trong các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại từ các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trân Trân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-chu-dong-ung-pho-voi-rao-can-phong-ve-thuong-mai-i758563/
Zalo