Doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với biến động thương mại
Ngay đầu năm 2025, trước những căng thẳng của thương mại toàn cầu, đặc biệt là các căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa có thể đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để DN Việt có chiến lược kinh doanh linh hoạt, thích ứng trước trở ngại thị trường.
Đa dạng thị trường
Ngày 11/2, trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, việc Mỹ mới đây thông báo tăng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, Mexico và Canada đang dấy lên lo ngại về chiến tranh thương mại phức tạp sẽ diễn ra ngay đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Bởi, thị trường Mỹ hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của DN. Mọi biến động từ thị trường Mỹ đều ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN.
Ông Việt cho rằng, theo sắc lệnh áp thuế bổ sung mới của Mỹ, đến nay chưa có sản phẩm dệt may nhưng thời gian qua, DN theo dõi "nhất cử, nhất động" từ thị trường này, đặc biệt là thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo ông Việt, trước những thay đổi chính sách về thương mại của các nước, đặc biệt là Mỹ thì DN cũng phải xây dựng những phương án, kế hoạch phù hợp.
![Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sát sao chính sách thương mại của các quốc gia.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_5_51454064/c5cff695c0db298570ca.jpg)
Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sát sao chính sách thương mại của các quốc gia.
Với DN ngành gỗ, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, hiện DN cũng cố gắng linh hoạt hơn để tìm kiếm thêm đơn hàng, khách hàng. Hiện sản phẩm của Lâm Việt đang XK tập trung vào 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh. Để có được kết quả này, DN đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao của thị trường, từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, xuất xứ, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xanh và bền vững…
Việc Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế bổ sung với mức 25% với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường này, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ đánh giá chính sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước XK nhôm thép vào Mỹ. Thực tế một số DN sản xuất thép quy mô lớn của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát hiện đã giảm XK sang Mỹ và mở rộng XK ra hơn 10 thị trường khác, kể từ khi nước này áp dụng hàng loạt biện pháp phòng vệ thương mại.
Việc Hoa Kỳ sẽ áp thuế 25% hàng nhôm, thép nhập khẩu cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, mặt hàng thép và nhôm từ các nước khó XK vào Hoa Kỳ sẽ tìm đường XK sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng XK sẽ khiến các công ty thép quay đầu trở lại thị trường nội địa và khiến các nước tăng cường bảo hộ đối với mặt hàng thép, nhôm như thời điểm năm 2018. Điều này sẽ khiến quốc gia XK thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, nếu Hoa Kỳ áp dụng bổ sung thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ các nước, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục XK vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các DN XK sẽ có thể giảm xuống, và các DN sẽ tìm cách chuyển thị trường.
Thích ứng linh hoạt
Trước việc mức thuế mới của Tổng thống Donald Trump đưa ra sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến cáo DN Việt cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng XK sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. DN cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại, khi đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và 2 vụ việc điều tra với nhôm…
TS. Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, các biến động của chính sách thương mại toàn cầu đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với DN. Tuy nhiên, trong nguy cơ, DN cần phải tìm kiếm những giải pháp để ứng phó hiệu quả. Theo ông Nam, thời gian tới, DN XK cần tăng cường khai thác lợi thế từ các FTA để đa dạng hóa thị trường XK.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_5_51454064/f111c04bf6051f5b4614.jpg)
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW cũng cho rằng, bối cảnh mới của thương mại toàn cầu có thể khiến DN Việt Nam chịu áp lực kiểm soát chặt chẽ hơn. Kéo theo đó là làm tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường quốc tế. Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc tuân thủ quy tắc lao động và môi trường cũng có thể được thắt chặt hơn. Đòi hỏi khắt khe của thị trường yêu cầu DN Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam tái cơ cấu sản xuất, tập trung vào các ngành hàng có giá trị gia tăng cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt với chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động “trả đũa”. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của DN và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa một số nước có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh XK về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường XK.
Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng phức tạp, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN cần nắm vững quy định và chính sách thương mại, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại từ các đối tác quốc tế.