Doanh nghiệp vật liệu xoay xở với thuế quan mới

Vật liệu xây dựng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp vẫn cần chủ động giải pháp để thích ứng.

Thép và xi măng xuất khẩu sang Mỹ không quá lớn

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 13 triệu tấn thép, trị giá 9,08 tỷ USD. Trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ ba, chiếm 14% tổng lượng xuất khẩu, đứng sau ASEAN và EU.

Thị trường Hoa Kỳ đang chiếm khoảng 12% tổng lượng xi măng xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường Hoa Kỳ đang chiếm khoảng 12% tổng lượng xi măng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện Hoa Kỳ phải nhập khẩu 12-15% lượng thép, tương đương 20-25 triệu tấn/năm, nên về ngắn hạn, những tác động từ thuế quan không phải là bất lợi với thép Việt Nam, nếu biết cách khai thác tiềm năng thị trường này.

Tương tự với xi măng, PGS.TS Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu xi măng do lượng sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Thị trường Hoa Kỳ chiếm 12% tổng lượng xi măng xuất khẩu của Việt Nam.

"Với một quốc gia thiếu xi măng, tìm được nguồn nhập khẩu ổn định không dễ. Tôi cho rằng, không quá lo lắng khi Hoa Kỳ tăng thuế, vì đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ xây dựng công trình của quốc gia này", ông Long nhận định.

Lên kịch bản để ứng phó

Lãnh đạo Công ty CP Vicostone cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc dự báo và đưa ra kế hoạch cụ thể rất khó. Vì thế, Vicostone đã xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó. Trường hợp xấu nhất, doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ có thể giảm 50%. Với kịch bản khả quan hơn, nếu duy trì doanh thu ở mức hiện tại, lợi nhuận dự kiến giảm 30-40%.

Về ngắn hạn, những tác động từ thuế quan có thể không phải yếu tố bất lợi với thép Việt Nam.

Về ngắn hạn, những tác động từ thuế quan có thể không phải yếu tố bất lợi với thép Việt Nam.

Trường hợp mức thuế 10%, có tác động nhưng không nghiêm trọng, Vicostone sẽ có biện pháp điều chỉnh để thích ứng kịp thời. Công ty tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo kịch bản thận trọng, có kiểm soát.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hoa Kỳ đang tạm hoãn áp thuế 90 ngày và giữ mức thuế đối ứng ở 10% với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để đẩy mạnh đàm phán Việt Nam và Hoa Kỳ, hướng tới thỏa thuận thương mại bền vững dài hạn.

Với những diễn biến khó lường, việc Hoa Kỳ khôi phục hoặc tăng thuế sau thời gian tạm hoãn có thể xảy ra. Các doanh nghiệp cần chủ động kịch bản ứng phó linh hoạt, có giải pháp dài hạn hạn chế sự tổn thương từ thuế quan.

Tìm kiếm thị trường mới

Tại các cuộc họp Chính phủ liên quan việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan là cơ hội để Việt Nam đổi mới, bứt phá, vươn mình, phát triển, tái cơ cấu: nền kinh tế, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…

Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu theo hướng bền vững,đa dạng và linh hoạt (ảnh minh họa).

Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu theo hướng bền vững,đa dạng và linh hoạt (ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực vật liệu xây dựng của Việt Nam. Các doanh nghiệp xoay trục, tập trung thị trường nội địa đang phục hồi nhờ tín hiệu tích cực từ đầu tư công và bất động sản, cũng như các thị trường trong ASEAN, nơi có lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do.

TS Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, tình hình quốc tế biến động khó lường, để hạn chế tổn thương, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải sẵn sàng giải pháp ứng phó.

Trước mắt, cần đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, khởi động các dự án bất động sản theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ nhu cầu thị trường, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất để hàng không tồn kho, hạn chế cung vượt cầu.

"Ngoài ASEAN, doanh nghiệp cần mở rộng các thị trường xuất khẩu mới như Úc, Liên minh châu Âu (EU)… EU là thị trường khó tính, yêu cầu cao về giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần đầu tư công nghệ, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, tạo sự cạnh tranh về giá, sản xuất sản phẩm chất lượng, sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Đây là chủ trương đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của nước ta", TS Sâm nói.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu theo hướng bền vững, đa dạng và linh hoạt, giảm phụ thuộc vào thị trường lớn.

Bên cạnh nỗ lực "tự làm mới mình" của doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tăng sức chống chịu, như: Giảm chi phí phi chính thức, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ đạo các ngân hàng cung cấp gói tín dụng ưu đãi, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất phù hợp với thị trường.

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xoay-xo-voi-thue-quan-moi-192250416020347422.htm
Zalo