Doanh nghiệp vật liệu giải bài toán giảm phát thải

Trước yêu cầu giảm phát thải, việc áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là giải pháp sống còn của doanh nghiệp vật liệu xây dựng - lĩnh vực tiêu tốn nhiều tài nguyên và có lượng phát thải lớn.

Đổi mới công nghệ là nền tảng cốt lõi

Trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Viglacera) đã có bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.

Hệ sinh thái sản phẩm xanh của Viglacera gồm nhiều dòng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hệ sinh thái sản phẩm xanh của Viglacera gồm nhiều dòng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Không dừng lại ở việc đầu tư máy móc hiện đại, doanh nghiệp này tập trung vào các giải pháp công nghệ tạo sự khác biệt, từ hiệu suất vận hành đến giá trị trải nghiệm người dùng.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi yêu cầu về tài chính, nhân lực nên nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp; nghiên cứu giảm thuế thu nhập để khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu xanh và các quy định về sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.

TS Thái Duy Sâm

Ông Quách Hữu Thuận, Phó tổng giám đốc Viglacera cho biết, đơn vị đã ứng dụng công nghệ phủ PVD trên vòi hoa sen, giúp tăng độ bền, chống ăn mòn và mang lại bề mặt sáng bóng cho thiết bị.

Đây là giải pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng vì sử dụng công nghệ chân không, không sinh ra hóa chất nguy hại và giảm thiểu lượng khí thải. Công nghệ này tạo bước chuyển mình đáng kể cho ngành thiết bị vệ sinh trong nước.

Theo ông Thuận, năm 2023, Viglacera ra mắt sản phẩm đá nung kết tấm lớn Vasta Stone. Dây chuyền sản xuất này tiêu thụ ít nước và năng lượng. Công suất điện tiêu thụ cho máy cán ép liên tục chỉ bằng 1/6 phương pháp ép truyền thống.

Hiện nay, hệ sinh thái sản phẩm xanh của Viglacera được hình thành với nhiều dòng sản phẩm thân thiện môi trường. Tiêu biểu là kính tiết kiệm năng lượng, gạch ốp lát khổ lớn, kính siêu trắng, sứ vệ sinh thông minh, đá nung kết… Viglacera đang cung cấp đá nung kết Vasta Stone cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành và nhiều khu đô thị cao cấp…

"Đây là những sản phẩm sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến. Kiên định đổi mới công nghệ là nền tảng cốt lõi, giúp Viglacera giữ vững vị trí dẫn đầu tại thị trường trong nước và quốc tế", ông Thuận nói.

Giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng

Bà Võ Thái Xuân Thủy, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh (Fico-YTL) cho biết, để hạn chế lượng phát thải góp phần bảo vệ môi trường, Fico-YTL đã phát triển dòng xi măng ECOCem giảm từ 30 - 70% lượng CO2.

Fico-YTL đã phát triển dòng xi măng ECOCem giảm từ 30 - 70% lượng CO2.

Fico-YTL đã phát triển dòng xi măng ECOCem giảm từ 30 - 70% lượng CO2.

Không giống như xi măng truyền thống, xi măng ECOCem sử dụng vật liệu thay thế một phần clinker như: tro bay, xỉ và các sản phẩm phụ của ngành công nghiệp khác.

"Chiến lược này giúp giảm lượng khí thải CO2, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách tái sử dụng các vật liệu thải, hạn chế chôn lấp", bà Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Fico-YTL, năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận mức phát thải CO2 thấp hơn nhiều so trước đó (khi sản xuất xi măng Portland), do tỷ lệ sử dụng clinker giảm.

"Hiện nay, sản phẩm xi măng phát thải thấp ECOCem đang được sử dụng tại nhiều công trình lớn thuộc lĩnh vực dân dụng, hạ tầng và công nghiệp, bao gồm các dự án của Coteccons, Ricons, SOL E&C, An Phong, cũng như các nhà máy hay tổ hợp công nghiệp - logistics tại các tỉnh thành trọng điểm phía Nam", bà Thủy cho biết.

Theo PGS.TS Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đứng trước thách thức về cạnh tranh, chi phí đầu vào tăng cao và yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp xi măng không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị và kinh doanh, mang lại hiệu quả rõ nét và tích cực.

Đến nay, mức tiêu hao nhiệt nung clinker giảm từ 850 kcal/kg clinker (năm 2015) xuống còn 750-800 kcal/kg clinker. Tiêu hao điện giảm từ 100-120kWh/tấn xi măng xuống còn 80-95kWh/tấn xi măng.

Có 100% nhà máy sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu; nhiều nhà máy dùng rác thải làm nhiên liệu thay thế, đạt tới 40% tổng nhiệt lượng. Kiểm soát phát thải bụi dưới 50mg/Nm3 khí thải, nhiều nhà máy dưới 30mg/Nm3, hình thành nhiều "nhà máy trong công viên".

Yếu tố sống còn của doanh nghiệp

TS Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, với những chỉ đạo, định hướng của Trung ương và thực tiễn yêu cầu trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, việc áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là giải pháp sống còn của doanh nghiệp vật liệu xây dựng - lĩnh vực tiêu tốn nhiều tài nguyên và có lượng phát thải lớn.

Thời gian qua, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã liên tục tìm tòi, đổi mới công nghệ, áp dụng những giải pháp tiên tiến vào sản xuất và đạt thành tựu quan trọng.

Nổi bật là việc tận dụng thạch cao, tro xỉ để giảm tỷ lệ sử dụng clinker, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng; hay các đơn vị sản xuất gạch ốp lát đã đưa công nghệ Continua+ vào sản xuất gạch khổ lớn; một số doanh nghiệp xử lý tro xỉ nhiệt điện để sản xuất gạch không nung…

Theo ông Sâm, đổi mới khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp vật liệu phát triển bền vững, hướng tới sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tiến Hào

Tuyết Hạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-giai-bai-toan-giam-phat-thai-192250520202451141.htm
Zalo