Trí tuệ nhân tạo trong báo cáo phát triển bền vững: 'Mệnh lệnh chiến lược'

Quá trình chuyển đổi số đang gia tốc mạnh mẽ trong ngành dịch vụ tài chính, việc tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) vào báo cáo phát triển bền vững đang nhanh chóng trở thành một 'mệnh lệnh chiến lược'.

Không lĩnh vực nào thể hiện rõ sự hội tụ này hơn ngành ngân hàng, nơi mà các yêu cầu pháp lý ngày càng gia tăng và sự giám sát từ các bên liên quan ngày càng chặt chẽ đang buộc các tổ chức phải tư duy lại cách thức xây dựng, đảm bảo và sử dụng thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Khi được ứng dụng một cách có trách nhiệm, AI có thể tăng cường đáng kể hiệu quả của quá trình xây dựng báo cáo phát triển bền vững. AI giúp nâng cao tốc độ, mở rộng phạm vi và độ tinh vi trong cách dữ liệu được thu thập, phân tích và trình bày – từ việc kết nối các điểm dữ liệu rời rạc, nhận diện quy luật cho đến cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ ra quyết định. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của AI không chỉ nằm ở khả năng tự động hóa, mà còn ở việc công nghệ này cho phép các chuyên gia tài chính khám phá bản chất phức tạp của vấn đề, kết nối giữa các lĩnh vực tài chính và phi tài chính, và định hướng hiệu quả hoạt động theo các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.

Tại ACCA, chúng tôi đã nghiên cứu toàn bộ vòng đời sản xuất thông tin phát triển bền vững và xác định tám giai đoạn (bước) then chốt mà AI có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng. Các giai đoạn này bao gồm: (i) Xác lập bối cảnh báo cáo; (ii) Xác định thông tin phát triển bền vững trọng yếu cần báo cáo; (iii) Xác định yêu cầu dữ liệu; (iv) Thu thập dữ liệu; (v) Báo cáo dữ liệu đã thu thập; (vi) Xác minh thông tin báo cáo và tiếp tục cải tiến; (vii) Các yếu tố hỗ trợ: lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, truyền thông và tích hợp; (viii) Sử dụng thông tin phát triển bền vững để ra quyết định, thay đổi hành vi và cải tiến liên tục.

Xuyên suốt mỗi giai đoạn đó, AI đều có tiềm năng giúp giảm thiểu xung đột quy trình, nâng cao độ tin cậy, củng cố tính mạch lạc và toàn vẹn của báo cáo phát triển bền vững. Dù là trong việc xác định phạm vi, kiểm tra chéo đối chiếu đầu vào hay trực quan hóa các tác động ESG, AI đều có thể góp phần tạo nên một gói báo cáo chặt chẽ, nhất quán và liền mạch – không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn phù hợp với mong đợi của các bên liên quan.

Tuy nhiên, những tiềm năng hứa hẹn này không phải không đi kèm với rủi ro. Như đã được nêu rõ trong nghiên cứu của ACCA về các tình huống “tiến thoái lưỡng nan” trong đạo đức khi sử dụng AI, vẫn tồn tại nhiều nguy cơ như: Sự phụ thuộc vào dữ liệu không đầy đủ hoặc thiên lệch, thuật toán thiếu minh bạch, quy trình xác thực kém và thiếu sự giám sát phản biện… Những vấn đề này có thể làm suy giảm độ tin cậy của các báo cáo phát triển bền vững, gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.

Chính vì vậy, vai trò của các kế toán viên chuyên nghiệp trở nên vô cùng thiết yếu. Không chỉ để quản lý rủi ro, mà còn để duy trì nền tảng đạo đức của công tác báo cáo phát triển bền vững. Bộ Quy tắc Đạo đức của ACCA đưa ra năm nguyên tắc nền tảng: Chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn và sự cẩn trọng, bảo mật, và hành vi nghề nghiệp. Những nguyên tắc này phải luôn được đặt làm trung tâm trong cách thức triển khai và khai thác hiệu quả các công cụ AI. Đặc biệt, tinh thần “hoài nghi nghề nghiệp” cũng cần được phát triển song hành với các công nghệ mới – yêu cầu các chuyên gia phải chất vấn kết quả, kiểm định giả định và đánh giá sản phẩm do AI tạo ra một cách tỉnh táo, chứ không phải “phục tùng mù quáng”.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc đến dấu chân sinh thái của chính công nghệ AI. Dù thường được xem là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, AI lại có thể tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây áp lực lên trung tâm dữ liệu, hệ thống nước và lưới điện. Ví dụ, chỉ một hình ảnh được tạo bằng AI cũng có thể tiêu thụ lượng điện tương đương hàng trăm lần sạc một chiếc điện thoại thông minh. Hay theo Viện Nghiên cứu Điện lực Hoa Kỳ, một truy vấn gửi đến ChatGPT tiêu tốn lượng điện năng gấp khoảng mười lần so với một lượt tìm kiếm trên Google. Với hơn 200 triệu người dùng mỗi tuần và nhu cầu tính toán không ngừng gia tăng, mức tiêu thụ điện năng của các trung tâm dữ liệu có thể tăng đến 160% vào năm 2030 – điều này đồng nghĩa với việc lượng phát thải CO₂ toàn cầu có thể tăng gấp đôi so với mức năm 2022.

Ngoài ra, mức tiêu thụ nước phục vụ cho việc làm mát AI cũng rất đáng kể. Trong năm 2022, các công ty như Google và Microsoft mỗi đơn vị đã sử dụng lượng nước tương đương nhu cầu sinh hoạt của khoảng 700.000 người dân Hoa Kỳ chỉ để làm mát trung tâm dữ liệu của mình. Vì thế, các chuyên gia tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa hiệu quả vận hành của AI và những đánh đổi về sinh thái, đảm bảo rằng lựa chọn công nghệ luôn gắn với mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.

Giải quyết những thách thức này không chỉ đòi hỏi sự thích ứng về mặt kỹ thuật, mà còn là một quá trình chuyển đổi văn hóa và nghề nghiệp. ACCA đang tích cực hỗ trợ tiến trình này thông qua các nguồn lực như Trung tâm Báo cáo Phát triển bền vững, các chương trình đào tạo liên tục (CPD), và loạt chuyên đề AI Monitor, trong đó chúng tôi phân tích cách thức mà nghề nghiệp kế toán – kiểm toán có thể thích ứng với những rủi ro và cơ hội mới đang nổi lên.

Thông điệp cốt lõi rất rõ ràng: AI có thể là một đồng minh mạnh mẽ trong quá trình phát triển báo cáo bền vững, nhưng giá trị thực của nó phụ thuộc vào cách thức và mục tiêu chúng ta sử dụng nó. Với tư cách là những chuyên gia tài chính và kế toán, nhiệm vụ của chúng ta không phải là trao quyền phán đoán cho thuật toán, mà là tích hợp các công cụ mới vào những trách nhiệm đạo đức, phân tích và chiến lược mà chúng ta đang gánh vác.

Báo cáo phát triển bền vững không chỉ là một yêu cầu tuân thủ pháp luật. Đó còn là tấm gương phản chiếu cam kết minh bạch, xây dựng niềm tin và tạo ra giá trị dài hạn. Khi tiếp cận AI với tinh thần có mục đích, chuyên nghiệp và có giám sát phản biện, ngành ngân hàng có thể vượt lên khỏi những bản báo cáo hình thức, từng bước đưa báo cáo phát triển bền vững trở thành một chức năng chiến lược cốt lõi – giúp điều hướng sự phức tạp, định hình hành vi và đóng góp thực chất cho một nền kinh tế kiên cường, có trách nhiệm hơn.

Mike Suffield, Giám đốc Chính sách & Nghiên cứu chuyên sâu, ACCA. Trình bày - ảnh: Lê Đỗ - Hoàng Giáp – Văn Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tri-tue-nhan-tao-trong-bao-cao-phat-trien-ben-vung-menh-lenh-chien-luoc-164689.html
Zalo