Doanh nghiệp tư nhân cũng được hành nghề công chứng
Chính phủ được giao quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Chiều 26/11, với 450/453 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng.
Trước đó, quá trình thảo luận, quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh hay gồm cả doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Sau nhiều lần tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua quy định, tổ chức hành nghề công chứng bao gồm phòng công chứng và văn phòng công chứng.
Phòng công chứng phải có từ 2 công chứng viên trở lên. Tại các địa bàn cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì Phòng công chứng có thể có 1 công chứng viên.
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ được giao quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.
Luật cũng quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.
Vấn đề khác cũng còn ý kiến khác nhau là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.
Báo cáo trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, ngày 20/11/2024, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng Phiếu xin ý kiến về nội dung này.
Kết quả, có 245 ĐBQH (chiếm 75,62% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm 51,15% tổng số ĐBQH) tán thành với đề nghị của UBTVQH theo hướng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Có 77 ĐBQH (chiếm 23,77% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm 16,08% tổng số ĐBQH) đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.
Trên cơ sở kết quả xin ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc như thể hiện tại Điều 39 của dự thảo Luật, ông Tùng cho biết.
Gồm 8 chương, 76 điều, Luật Công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.