Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11, Quốc hội nghe và thảo luận về các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.

Thảo luận ở hội trường về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, các đại biểu cơ bản đồng tình và tán thành với nhiều nội dung. Trong đó nổi bật là Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, có hiệu quả đối với đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân và hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này được thực hiện một cách kịp thời, được nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó, các báo cáo đã đánh giá cơ bản toàn diện và đầy đủ về tồn tại, hạn chế như: Toàn quốc phát hiện 5.216 vụ, 15.243 đối tượng, trong đó hơn 30% là nữ, tăng 7,58% về số vụ, 15,62% về số đối tượng đã khởi tố là 2.854 vụ, 6.325 bị can, xử lý hành chính hơn 10.000 vụ, trong đó nhiều em là học sinh, sinh viên, là điều rất báo động, tạo ra sự lo lắng trong xã hội. Bên cạnh đó, vẫn thường xuyên xảy ra những vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng và thông qua mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn.

Để kéo giảm và ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, nhà trường, gia đình và xã hội, có đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình trong thời điểm hiện nay và dự báo trong thời gian sắp tới để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, đồng thời có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ để kiểm soát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội để phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.

Các đại biểu cũng cho rằng, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như tội phạm giết người; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm ma túy; chống người thi hành công vụ; tội phạm kinh tế, tham nhũng. Đáng chú ý, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Vì vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Đề nghị các cơ quan chức năng khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Đồng thời cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu. Với vai trò là Cơ quan chủ trì soạn thảo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và đây là cơ sở để tiếp tục cải tiến, đổi mới theo hướng đầy đủ và toàn diện hơn trong thời gian tới.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Qua thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); đồng thời đề nghị Quốc hội, UBTVQH ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn ĐBQH với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết KNTC. Nhiều đại biểu cũng phản ánh những kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn, vướng mắc trong việc yêu cầu giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống khi bên được yêu cầu giám định không hợp tác trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; khó khăn liên quan đến thanh quyết toán kinh phí COVID-19 gây rất nhiều khó khăn, áp lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; việc di dời đường dây 500 kV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, đồng thời cũng tạo không gian phát triển về kinh tế - xã hội cho địa phương…

Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-thao-luan-ve-cong-193677.htm
Zalo