Doanh nghiệp trông chờ hải quan tháo 'điểm nghẽn' bất cập để giảm gánh nặng chi phí
Từ tình trạng hàng hóa tồn đọng tại cảng biển suốt nhiều năm qua cùng hàng loạt rủi ro mà doanh nghiệp cảng gặp phải, cho đến những vướng mắc của nhà đầu tư trong khu công nghiệp, đều liên quan khâu chính sách, quản lý, thủ tục ở ngành hải quan... Điều mong đợi của phía doanh nghiệp là những bất cập ở 'cửa ải' này nên được tiếp tục tháo gỡ, cắt giảm mạnh thủ tục để không phải chịu gánh nặng chi phí.
Trong một văn bản được Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (Visaba) gửi đến Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào trung tuần tháng 7/2025 có phản ánh suốt nhiều năm qua, tình trạng hàng hóa, phế liệu container tồn đọng tại cảng biển vẫn luôn tồn tại và chưa thể xử lý triệt để. Lượng hàng này tồn tại ở khắp các cảng biển từ Bắc chí Nam, có xu hướng tăng dần qua các năm.
Từ tồn đọng hàng hóa ở cảng biển…
Theo đó, phía Visaba có dẫn lại thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho thấy số lượng hàng hóa container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam vượt đã quá 7.650 chiếc, tập trung chủ yếu ở các cảng biển lớn như: Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng...Diện tích bãi chiếm dụng cho lượng hàng hóa này ước tính khoảng 5% năng lực khai thác toàn cảng.

Tình trạng hàng hóa, phế liệu container tồn đọng tại cảng biển vẫn luôn tồn tại suốtnhiều năm qua và chưa thể xử lý triệt để.
Trước thực trạng như vậy, ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký Visaba, đã chỉ rõ khó khăn hiện nay là việc cơ quan ban ngành thiếu kinh phí xử lý các loại container tồn đọng, đặc biệt là hàng lạnh, gây áp lực chi phí lên doanh nghiệp (DN) cảng và DN xuất nhập khẩu.
Ông Thiện cho biết theo quy định hiện tại, hải quan sử dụng ngân sách để đại diện xử lý hàng tồn đọng. Tuy nhiên, trong trường hợp hải quan không được phân bổ ngân sách cố định cho việc này (bao gồm chi phí tiêu hủy hoặc các chi phí khác), cần có văn bản quy phạm mới, hướng dẫn và phân nhiệm cụ thể trách nhiệm của hãng tàu, chủ hàng và các bên liên quan.
“Cho đến hiện tại, cảng biển vẫn đang là bên duy nhất gánh chịu toàn bộ các thiệt hại gia tăng tương ứng với thời gian tồn đọng của hàng hóa, đặc biệt là hàng lạnh hết giá trị thương mại, phát sinh nghiêm trọng các vấn đề môi trường”, ông Thiện than phiền.
Vị phó tổng thư ký của Visaba cũng nhắc lại Công văn 2040/HQHP-GSQL của Cục Hải quan Tp.Hải Phòng ngày 26/02/2021 về việc quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào, lưu giữ, đưa ra địa điểm kiểm tra tập trung. Mặc dù điều này đã tạo thuận lợi cho các DN, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động hải quan nhưng mặt khác đã vô tình tạo điều kiện cho hoạt động Shipside (đưa container ra bãi ngoài) ngày càng phát triển. Bởi vì dựa trên công văn này, các địa điểm kiểm tra tập trung tại các bãi bên ngoài cảng không cần phải làm Tờ khai vận chuyển độc lập.
Theo ông Thiện, tình trạng Shipside kéo dài kéo theo hàng loạt các rủi ro mà DN cảng phải gánh chịu. Cụ thể là: Mất kiểm soát luồng container tại cảng; tắc nghẽn giao thông nội cảng và tại cổng; gia tăng rủi ro an toàn – an ninh, gian lận hàng hóa, thủ tục; không ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý; ảnh hưởng đến quy hoạch bến bãi và đầu tư; lãng phí nguồn lực của cảng và phát sinh chi phí logistics.
Vì vậy, phía Visaba có kiến nghị nên đưa toàn bộ hàng hóa xuất tàu tập trung vào cảng – địa điểm kiểm tra giám sát của hải quan theo đúng chức năng. Chấm dứt hoạt động tự phát, mất kiểm soát của các bãi container, hoạt động không đúng chức năng. Và nhất là sửa đổi nội dung liên quan đến Công văn 2040/HQHP-GSQL: bỏ nội dung không yêu cầu phải thực hiện tờ khai vận chuyển độc lập với hàng nhập xuất thẳng từ kho bãi bên ngoài tới cầu cảng.
Đến những điểm cần khắc phục
Ngoài phản ánh nêu trên, đứng ở góc độ là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi Hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Chung cho rằng thủ tục hải quan, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách, vẫn còn những điểm cần khắc phục để thực sự tạo thuận lợi cho DN.
Chẳng hạn như phân loại hàng hóa và xác định mã số HS còn nhiều trường hợp chưa thống nhất, dễ gây tranh chấp và bị truy thu thuế. Điều này tạo ra rủi ro pháp lý và tài chính không lường trước cho DN, đặc biệt là các DN nhập khẩu nhiều loại vật tư, máy móc thiết bị phức tạp.
Bên cạnh đó, theo ông Chung, các quy định về kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, chưa có sự phối hợp đồng bộ, thiếu liên thông giữa các Bộ, ngành liên quan. Điều này dẫn đến việc hàng hóa bị ách tắc tại cửa khẩu, làm tăng chi phí lưu kho bãi, phát sinh các chi phí không đáng có và giảm sức cạnh tranh của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoặc như quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đôi khi còn quá chặt chẽ, chưa thực sự tạo điều kiện cho DN tận dụng công nghệ có hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn.
Trước những vướng mắc như vậy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi Hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam mong rằng cần tiếp tục cải cách thủ tục hải quan theo hướng hiện đại hóa, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Tăng cường ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong công tác quản lý rủi ro, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Hơn thế nữa, như lưu ý của ông Chung, cần rà soát các quy định về kiểm tra chuyên ngành, hướng tới một đầu mối kiểm tra hoặc công nhận kết quả kiểm tra lẫn nhau để giảm thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời, nên nghiên cứu nới lỏng và linh hoạt hơn nữa các quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, công nghệ và môi trường, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của nhiều DN.
Từ những phản ánh như vậy, cũng nên nhắc đến việc trong tháng 7/2025 Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính có đưa ra phương án cắt giảm 55 thủ tục hành chính ở lĩnh vực hải quan.
Về phía ngành hải quan, trong chia sẻ gần đây, ông Trần Đức Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh và bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Tựu trung, trước những bất cập trong khâu chính sách, quản lý, thủ tục có liên quan đến ngành hải quan (như phản ánh từ Visaba hay Liên chi Hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam), điều mong đợi từ phía DN là “cửa ải” này sớm cầu thị, khắc phục và “sửa sai” một cách thực chất để tạo thuận lợi thương mại và giảm gánh nặng chi phí.