Gỡ rào cản, tạo 'cú hích' phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm tạo 'cú hích' cho lĩnh vực này.

Phát triển theo mô hình KTTH sẽ tạo giá trị gia tăng bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa: S.T

Phát triển theo mô hình KTTH sẽ tạo giá trị gia tăng bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa: S.T

Hướng đi tất yếu cho nông nghiệp bền vững

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cao hơn, việc áp dụng mô hình KTTH trong nông nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp”, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 - cho biết, KTTH là mô hình sản xuất hướng tới khép kín, tận dụng tối đa tài nguyên và tái chế phụ phẩm, không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà còn tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Việc triển khai KTTH sẽ là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong thực tế, theo ông Thắng, thời gian qua, một số doanh nghiệp và nông hộ đã chủ động áp dụng KTTH vào sản xuất. Tại nhiều địa phương, rơm rạ và chất thải chăn nuôi đã được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ thông qua chế phẩm vi sinh, hỗ trợ canh tác lúa và rau màu theo hướng hữu cơ. Các mô hình này giúp tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao giá trị đầu ra thông qua việc tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Một số mô hình khác sử dụng dịch vụ cơ giới để thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ đã cho thấy hiệu quả tích cực tại vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. Việc tái sử dụng phụ phẩm đã giúp tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo lên khoảng 15% so với phương thức sản xuất tuyến tính truyền thống.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cũng đang được triển khai tại nhiều địa phương, trong đó phụ phẩm như thân cây ngô, sắn, đậu, lạc được ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Phân thải từ chăn nuôi sau đó được xử lý bằng sinh học để tái sử dụng cho trồng trọt. Nhờ vậy, giá thành thức ăn giảm, hiệu quả kinh tế tăng từ 10% - 15% so với chăn nuôi truyền thống…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chỉ rõ vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp, đặc biệt là ở khía cạnh chính sách.

Cụ thể là, một số quy định pháp luật liên quan hiện vẫn mang tính khái quát, cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc thù của mô hình sản xuất tuần hoàn. Ngoài ra, cách tiếp cận trong quản lý vẫn chủ yếu dựa trên tư duy sản xuất tuyến tính, trong khi các mô hình mới lại đòi hỏi sự linh hoạt và tính mở cao hơn. Những khoảng trống này phần nào ảnh hưởng đến khả năng thử nghiệm, triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Hải Nam - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực thi. Các chính sách hiện hành chỉ gián tiếp tác động đến nông nghiệp sinh thái thay vì tạo ra một khung khổ toàn diện. Nhiều chính sách vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu tăng sản lượng, đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, các tiêu chí, mục tiêu và khả năng giám sát, đo đếm kết quả của nông nghiệp sinh thái còn thiếu, đặc biệt ở cấp địa phương…

Bên cạnh rào cản về cơ chế, chính sách, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng đặc biệt nhấn mạnh khó khăn về tài chính. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tài chính xanh, là thách thức rất lớn. Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất tuần hoàn bao gồm cả xử lý phụ phẩm, tái chế, phát triển sản phẩm sinh học lại đòi hỏi nguồn lực đáng kể và dài hạn.

“Vì vậy, rất cần có các chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nếu muốn thúc đẩy KTTH một cách thực chất”- ông Ngọc nhấn mạnh.

Chỉ ra thêm rào cản, các chuyên gia cho biết, tư duy sản xuất tuyến tính vẫn còn phổ biến. Nhiều nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay chất tăng trọng mà chưa quan tâm đến hậu quả lâu dài. Trong khi đó, sản xuất tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đầu tư dài hạn và thay đổi cách tiếp cận trong quản trị sản xuất.

Mặt khác, người nông dân cũng còn thiếu kiến thức, kỹ năng và công cụ để áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái phức tạp. Thêm vào đó, chi phí đầu tư ban đầu và rủi ro thất bại mùa vụ cao khiến nông dân, đặc biệt là hộ nhỏ, ngần ngại chuyển đổi...

Hiện nay Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm, ngành nông nghiệp có hơn 156 triệu tấn phụ phẩm (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi…). Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng thấp, mới đạt dưới 35% và chủ yếu có quy mô nhỏ, phân tán gây ra phát thải, ô nhiễm.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, chiều 16/7. Ảnh: D.T

Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, chiều 16/7. Ảnh: D.T

Đồng bộ giải pháp để gỡ rào cản…

Với những rào cản được nhận diện cùng với yêu cầu phát triển KTTH trong nông nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết, đưa khuyến nghị để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTH trong nông nghiệp trong thời gian tới, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - đề xuất Chính phủ cần ban hành chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và gắn với mục tiêu Net Zero.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần quan tâm đến xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, sự công nhận, xác nhận nông nghiệp tuần hoàn, sản phẩm trong nông nghiệp tuần hoàn.

“Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường, từ đó làm tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã... đầu tư vào KTTH” - ông Thịnh gợi ý.

Đưa thêm khuyến nghị, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế thử nghiệm linh hoạt đối với các mô hình đổi mới sáng tạo ở quy mô nông hộ, trên nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm”. Theo đó, các sáng kiến sản xuất tuần hoàn được phép triển khai thí điểm trong thời gian nhất định, không bị áp dụng ngay các quy định hành chính cứng nhắc, nhằm khuyến khích các sáng kiến mạnh dạn thử nghiệm những cách làm mới.

Ông Nguyễn Trí Ngọc chia sẻ thêm, để xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho KTTH, trước hết phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất. “Muốn ra được tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn thì phải có mô hình thực tế. Nhưng hiện nay nhiều mô hình mới chỉ đang làm dở dang, chưa đủ điều kiện để xây dựng tiêu chuẩn” - ông nói.

Trên cơ sở đó, ông Ngọc đề xuất cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm. Thông qua các mô hình này, địa phương có thể đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí kỹ thuật, từ đó làm cơ sở cho việc nhân rộng và chuẩn hóa.

Từ thực tiễn hoạt động trong ngành sản xuất lúa gạo, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed - đề xuất Nhà nước ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống lúa phù hợp với sản xuất tuần hoàn như giống ngắn ngày, chống chịu tốt, giảm phát thải, sử dụng ít tài nguyên và có khả năng tạo giá trị từ phụ phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ tín dụng, hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp và hợp tác xã trong thu gom, xử lý, tái tạo phụ phẩm từ sản xuất lúa; xây dựng các mô hình chuỗi khép kín từ giống - sản xuất - chế biến - phụ phẩm - tiêu thụ - tái tạo tài nguyên. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quy hoạch vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng và các chương trình xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao./.

TUẤN MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/go-rao-can-tao-cu-hich-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-41683.html
Zalo