Doanh nghiệp thủy sản tìm động lực nâng vị thế cạnh tranh

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2025, ngành thủy sản Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng từ 10-15% nhờ vào các cơ hội hiện hữu.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 11 tiếp tục tăng trưởng. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024 xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có kết quả tích cực với mức tăng trưởng khoảng 13% so với năm 2023. Đây là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đều gia tăng yêu cầu về tiêu chuẩn bền vững và chứng nhận xanh.

Năm 2024, xuất khẩu thủy sản đến từ hai điểm nhấn lớn: sản phẩm nuôi trồng và khai thác. Ngay từ đầu năm, VASEP phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương mở rộng thị trường sang Mỹ, châu Âu. Điều này đã tác động đáng kể đến các thị phần xuất khẩu, từ đó đạt được giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Những ngành hàng chiếm ưu thế trong năm nay bao gồm tôm và cá ngừ. Các sản phẩm tôm xuất khẩu đã đạt giá trị 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2023. Trong khi đó, cá ngừ đã tận dụng hiệu quả hạn ngạch 11.500 tấn/năm từ châu Âu, giúp ngành này đạt sắp xỉ 1 tỷ USD.

Cũng theo ông Nam, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hiện nay đều yêu cầu chứng nhận bền vững, quản lý nguồn tài nguyên và khai thác hợp pháp. Ông Nam cho biết: “Sau 20 năm hội nhập, những thay đổi đáng kể nhất đối với ngành thủy sản là các yêu cầu về an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường và xã hội. Hiện nay, hầu hết người mua hàng châu Âu đã yêu cầu các chứng nhận như ASC”.

Ngoài ra, số lượng hồ sơ kèm theo mỗi lô hàng đang ngày một tăng lên, bao gồm các chứng chỉ về ESG và an toàn thực phẩm. Những ngành gắn với sức khỏe con người sẽ luôn phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe, nhưng nếu có sự chuẩn bị, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng.

Chia sẻ về hoạt động chuyển đổi của doanh nghiệp trong ngành, ông Nam cho biết, trong thế giới phẳng, thông tin cập nhật rất nhanh, phía các doanh nghiệp hầu hết rất chủ động với những thông báo quy định mới của thị trường, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.

Các doanh nghiệp thủy sản được chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các doanh nghiệp đã hội nhập sâu và có sự chuẩn bị tốt về hồ sơ, chứng nhận xanh và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khát khe. Nhóm thứ hai bao gồm các đơn vị cung cấp theo chuỗi, tuy không xuất khẩu trực tiếp nhưng đã có sự thay đổi để thích ứng với thị trường.

Trên cơ sở kết quả tích cực của năm 2024, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản rất khả quan. Ngành thủy sản Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng từ 10-15% nhờ vào các cơ hội hiện hữu. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường mới như Trung Đông và Nam Mỹ. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng xanh và các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ là động lực để doanh nghiệp Việt Nam cải tiến sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo về các thách thức. "Các quy định khai thác cá ngừ ở châu Âu, chính sách thuế quan từ Mỹ và vấn đề cạnh tranh giá cả từ các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia sẽ là những trở ngại không nhỏ," ông nhấn mạnh. Do đó, doanh. nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu xanh mạnh mẽ hơn. Cạnh tranh toàn cầu sẽ là cơ hội để chúng ta thay đổi và thực hiện các quy định tốt để xuất khẩu tốt hơn.

"Chúng tôi muốn truyền thông điệp đến các đơn vị xuất khẩu thủy sản trong năm 2025 rằng: Chúng tôi tin các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn và đồng hành với địa phương, nhà nước. Qua đó, cùng nhau tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường hiệu quả hơn", Phó Tổng thư ký VASEP chia sẻ.

Theo ông Nam, thủy sản là ngành hàng gắn với cả sản xuất và xuất khẩu, Do đó, việc đầu tiên trong năm 2025 cần chuẩn bị là thuế. Hiệp hội đề nghị ngành thuế quan tâm tới lĩnh vực thủy sản bởi đây là ngành có đặc thù riêng. Thực tế cho thấy, khi kiểm tra, ngành thuế có yêu cầu cung cấp cả những bảng kê về tàu thuyền từ 10 năm trước. Điều này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để đáp ứng. Các chủ tàu khó có thể nhớ được con số trong khoảng thời gian 10 năm.

Xuất khẩu cá ngừ nhiều tiềm năng tăng trưởng, năm nay xuất khẩu tiệm cận 1 tỷ USD. Nhưng ngành hàng đang vướng mắc về quy định kích thước cá ngừ vằn được phép khải thác phải từ 0,5m trở lên tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP. Quy định này cần được sửa đổi quy định để tạo động lực cho ngư dân bám biển khai thác, tăng sản lượng.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hiep-hoi-doanh-nghiep/doanh-nghiep-thuy-san-tim-dong-luc-nang-vi-the-canh-tranh/20241220104238325
Zalo