Doanh nghiệp thực hành ESG mong được miễn giảm thuế
Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách tài trợ dự án của BCG Energy cho biết, việc thực thi ESG (môi trường-xã hội-quản trị) trong thực tế vận hành sản xuất kinh doanh đã giúp tập đoàn nhận được nhiều lợi ích.
Cụ thể, BCG Energy đã thu hút được 60 triệu USD từ một số quỹ đầu tư nước ngoài và gây dựng niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp nhận thấy còn thiếu bộ tiêu chí, cách chấm điểm cho việc áp dụng ESG. Chẳng hạn, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp có thể tích hợp tiêu chí ESG vào quyết định. Hay ngân hàng có thể tích hợp tiêu chí ESG khi đánh giá tín nhiệm cho doanh nghiệp, xem xét hồ sơ cho vay và thể hiện ngay các yêu cầu trong hồ sơ... Vì vậy cần có những tiêu chí, con số cụ thể cho việc áp dụng ESG để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích mà tuân thủ, thực hiện và cảm thấy được khuyến khích thực hành ESG.
“Đối với các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư vào ESG cần nguồn vốn lớn. Trong khi đó, lợi nhuận tính toán trước khi đầu tư không được như kỳ vọng, hiệu quả có thể bị ảnh hưởng. Do đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng là cần thiết. Đây chính là sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn chuyển đổi để tiến tới Netzero. Sau đó, khi đã định hình được thị trường, doanh nghiệp chấp nhận cuộc chơi một cách bình đẳng”, ông Nam kiến nghị thêm.
Mới đây, Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp thể hiện rõ mong muốn của doanh nghiệp đối với chính sách miễn, giảm thuế khi đã cam kết thực hành ESG cùng những mục tiêu cụ thể để khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Đánh giá này được thực hiện dựa trên “Công cụ đánh giá mức độ thực hành kinh doanh bền vững theo khung đánh giá ESG” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát triển với sự hỗ trợ từ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Theo đó, hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cho thấy, 30% doanh nghiệp đang tìm hiểu về ESG; 7% đã có kế hoạch và đang thực hành ESG; 16% doanh nghiệp chưa từng nghe đến ESG nhưng đang thực hành về chủ đề môi trường, xã hội và quản trị...
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thực hành ESG cho biết, đang gặp phải một số vướng mắc, rào cản, do đó, các cơ quan chức năng cần có văn bản cụ thể hướng dẫn doanh nghiệp thực hành ESG. Đồng thời, mong muốn được tiếp cận các khoản vay xanh từ Chính phủ hoặc các tổ chức tài chính. Đặc biệt, có chính sách giảm hay
miễn thuế cho các doanh nghiệp đã cam kết thực hành ESG với những mục tiêu cụ thể để khuyến khích. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các dự án về chuyển đổi xanh, hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và học hỏi kinh nghiệm từ doanh nghiệp đi trước.
Bà Allinnettes Adigue, Giám đốc Trung tâm Khu vực ASEAN của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) cho biết, ESG đòi hỏi doanh nghiệp thực hành phải kết hợp được đầy đủ cả ba tiêu chí về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị. Đây là một bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá và đo lường hiệu suất của một doanh nghiệp, hoặc một tổ chức từ các khía cạnh. Hiện nay, xu hướng "chuyển đổi xanh" đang lan rộng và trở thành động lực mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tiêu chuẩn ESG đã trở thành một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá hiệu suất của các tổ chức và doanh nghiệp, đây cũng là một công cụ quan trọng để định hình và thúc đẩy các hành vi kinh doanh và đầu tư bền vững.
Bàn về vấn đề này, TS. Trần Trung Kiên, Khoa Tài chính công, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhận định, để các doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong việc thực hành ESG, quan trọng nhất là Chính phủ cần ban hành các quy định về doanh nghiệp công bố ESG và các hướng dẫn cụ thể thông qua yêu cầu báo cáo về ESG đối với các công ty niêm yết, các doanh nghiệp cung cấp thông tin ESG chi tiết và minh bạch có thể được hưởng các ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, cũng nên thiết lập các cơ chế thuế để khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án tuân thủ tiêu chuẩn ESG cao.
Ngoài ra, cần áp dụng thuế môi trường và tiêu chuẩn môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường cao có thể được hưởng các ưu đãi thuế, trong khi các hoạt động gây ô nhiễm môi trường có thể phải chịu mức thuế cao hơn. Ngoài ra, áp dụng thuế môi trường và tiêu chuẩn xã hội nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon. Các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội cao, như bảo vệ người lao động hay trích nộp các khoản theo lương đầy đủ và trung thực, có thể được hưởng các ưu đãi thuế.
Cuối cùng, không kém phần quan trọng, đó chính là áp dụng thuế môi trường một cách công bằng và tiêu chuẩn quản trị, tức là thiết lập các biện pháp thuế nhằm giảm thiểu sự chênh lệch thu nhập và tăng cường công bằng xã hội. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị tốt như minh bạch thông tin, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội cũng chính bằng cách cung cấp các khoản thuế ưu đãi để tạo động lực.