Doanh nghiệp rượu, bia kiến nghị lùi thời gian áp Thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo các doanh nghiệp rượu, bia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán sản phẩm và dẫn đến giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng giảm trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Vì vậy, cần xem xét giảm mức tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt và giãn lộ trình tăng.
Ngày 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế...
Đáng chú ý, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống rượu, bia, nước giải khát đã liên tục chịu tác động tiêu cực.
Nhu cầu giảm sút do kinh tế khó khăn hậu Covid-19 và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao từ 15 - 30%. Trong khi đó, ngành đồ uống có cồn lại không thuộc đối tượng giảm thuế VAT nên không được hỗ trợ mà chịu nhiều hạn chế từ 4 Luật lớn: Luật phòng, chống tác hại rượu bia, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường. Với những khó khăn này, ngành rượu, bia đã bị sụt giảm mạnh về sản lượng. Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022 và Quý II cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%.
Đáng quan ngại, bà Chu Thị Vân Anh cho biết, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đã sụt giảm lớn, thậm chí đã có nhà máy phải đóng cửa. Cụ thể, Heineken Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023.
Tại Dự thảo Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, đối với rượu từ 20 độ trở lên, lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 với phương án 1 là từ 70 - 90%, phương án 2 là từ 80 - 100% (hiện tại là 65%). Với rượu dưới 20 độ, phương án 1 là từ 40 - 60%, phương án 2 là từ 50 - 70% (hiện tại là 35%);
Đối với bia, phương án 1 từ 70 - 90%, phương án 2 là từ 80 - 100% (hiện tại là 65%). Với các mức thuế đề xuất này, Bộ Tài chính nghiêng về phuơng án 2.
Nhìn nhận về đề xuất này, bà Chu Thị Vân Anh cho rằng tuy chưa thể đánh giá hết được các tác động “khủng” vì điều này đòi hỏi thời gian, số liệu thống kê chính thống đầy đủ, mô hình tình toán tác động thuế khoa học và các yếu tố về độ co giãn, phản ứng người tiêu dùng và hành vi chuyển đổi các sản phẩm thay thế, song đây chắc chắn là cú tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đồng thuận cho rằng, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. đang xây dựng, để hỗ trợ doanh nghiệp đang trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh khó khăn, nên mong muốn Ban soạn thảo cân nhắc xem xét về mức thuế và lộ trình tăng một cách hợp lý để ổn định thị trường.