Doanh nghiệp phát hành sách tăng quy mô 20 lần trong 18 năm
Fahasa tăng trưởng số lượng nhà sách lẫn doanh thu và lợi nhuận tính từ năm 2006, được kỳ vọng tiếp tục phát triển, cải tiến, ứng dụng công nghệ để đóng góp cho ngành xuất bản.
Trong khuôn khổ chuyến khảo sát một số đơn vị in ấn, phát hành sách trên địa bàn TP.HCM, chiều 10/9, đoàn công tác gồm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng... đã đến tham quan, làm việc tại Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa).
Tăng trưởng về số lượng nhà sách lẫn doanh thu
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM Phạm Minh Thuận chia sẻ về mô hình hoạt động, những thách thức và thuận lợi sau gần 50 năm thành lập.
Thành lập từ năm 1976, Fahasa đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2006 đến nay, Fahasa tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô, từ 18 nhà sách tại TP.HCM với diện tích khoảng 300 m2 lên 120 nhà sách trên 50 tỉnh thành.
Các nhà sách trong hệ thống siêu thị AEON đều có diện tích trên 1.500 m2, một số nhà sách của Fahasa hiện có diện tích lên đến 2.000 m2. Nếu tính theo diện tích tiêu chuẩn của nhà sách 300-350 m2, thì hiện nay Fahasa có gần 200 nhà sách.
Song song với tăng trưởng số lượng nhà sách, doanh thu và lợi nhuận của Fahasa cũng tăng lần lượt khoảng 15-20 lần và 30-40 lần so với trước đây.
Đại diện lãnh đạo ngành xuất bản đánh giá cao thành tựu trong hoạt động kinh doanh phát hành sách của Fahasa. Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Tống Văn Thanh nhắc rằng nhiều nhà sách trước đây từng là không gian đẹp nhất của các đô thị, sau khi cổ phần hóa thì đều không trụ được bền vững. Tuy nhiên, Fahasa lại phát triển đều đặn. Ông đặt câu hỏi liệu rằng kinh doanh phát hành sách hiện nay có nên đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa.
Tổng giám đốc Fahasa nhận định rằng việc kinh doanh phát hành sách phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường. Do đó, muốn tồn tại được thì đơn vị trước nhất phải tính toán mở nhà sách ở những thị trường đủ lớn. Thị trường đủ lớn thì mới đủ sức mua để cân đối với chi phí vận hành và chi phí nhập hàng hóa.
Một yếu tố khác là Fahasa theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong thói quen người tiêu dùng. Đó là lý do hầu hết nhà sách của Fahasa đều xây tại vị trí trung tâm của địa bàn, đến 80% là trong các khu trung tâm thương mại, siêu thị. Độc giả, người tiêu dùng có thể kết hợp hoạt động thăm, ghé nhà sách với những hoạt động mua sắm, vui chơi, giải trí khác.
Ông cho rằng nếu hiện nay nhà nước muốn đầu tư phát triển không gian sách, thì nên là những thư viện cộng đồng ở những địa phương cơ sở. Các mô hình này khi vận hành có thể đặt mua sách của đơn vị xuất bản, nhà phát hành với giá gốc, chiết khấu cao, mà ông nghĩ các đơn vị "sẵn sàng làm". Trái lại, ông nghĩ rằng nếu nhà nước đầu tư mở các doanh nghiệp phát hành sách thì sẽ khó thu được kết quả phát triển bền vững, lâu dài.
Tập trung chiến lược, ứng dụng công nghệ vào vận hành
Ông Phạm Minh Thuận chia sẻ rằng Fahasa xác định rõ ràng chiến lược then chốt là tập trung vào lĩnh vực phát hành, phát triển hệ thống nhà sách chuyên nghiệp trên toàn quốc. Đơn vị không tham gia vào hoạt động xuất bản, không liên kết với các nhà xuất bản. Theo ông Thuận, điều này giúp Fahasa tránh được các xung đột lợi ích và có thể tập trung vào việc cung cấp dịch vụ phát hành sách chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, ông cho rằng khâu quan trọng nhất là xuất bản, chứ không phải phát hành: "Nội dung sách mới quyết định thị trường, chứ phát hành không làm thay vai trò của nội dung được". Do đó, đơn vị luôn khuyến khích các đơn vị xuất bản tập trung tạo ra những cuốn sách chất lượng, hấp dẫn thị trường, còn Fahasa sẽ ưu tiên trưng bày và phân phối các sản phẩm sách tốt, bán chạy.
Ông cũng dành lời khen ngợi cho nhiều đơn vị xuất bản, gồm nhiều đơn vị tư nhân, hiện nay rất thức thời, làm sách chuyên nghiệp, bài bản. Ông lấy ví dụ nhiều cuốn sách "hot" của thị trường thế giới được mang về Việt Nam rất sớm, thậm chí phát hành gần như cùng lúc với ngôn ngữ gốc.
Về truyền thông sách, Tổng giám đốc Fahasa nhấn mạnh sự nở rộ của mạng xã hội đang "xóa bỏ dần những khoảng cách" giữa nông thôn và thành thị. Thấu hiểu rằng mong muốn của bạn trẻ ở Bến Tre, ở Kiên Giang thì cũng không mấy khác biệt với bạn trẻ TP.HCM, ông cho biết xây dựng nhà sách ở đâu, đơn vị cũng đầu tư chất lượng tương đương.
Ông xác định hai nhiệm vụ của Fahasa: phục vụ xã hội và tổ chức kinh doanh tốt, làm được hai điều này thì đơn vị sẽ có kết quả tốt. Nhận thức được trình độ tiêu dùng nâng cao, đơn vị liên tục thay đổi, làm mới mô hình nhà sách.
Bên cạnh đó, Fahasa đầu tư mạnh vào hệ thống công nghệ thông tin để quản lý và vận hành toàn bộ hoạt động của công ty, từ năm 2008 đến nay đã nhiều lần nâng cấp, cải tiến. Hệ thống này giúp công ty quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, theo dõi tình hình bán hàng, đưa ra dự báo và điều chỉnh kịp thời.
Hiện tại, đơn vị đang triển khai mô hình quản lý theo vùng lãnh thổ, với 5 trung tâm sách chịu trách nhiệm quản lý các nhà sách tại các vùng miền khác nhau. Mỗi trung tâm sẽ có bộ máy quản lý, vận hành độc lập nhưng chịu sự chỉ đạo và điều hành chung của Fahasa.