Doanh nghiệp niêm yết thận trọng lên kế hoạch 2025
Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 khá thận trọng, thậm chí tăng trưởng âm so với năm trước.

Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2025 của DCM giảm khoảng 30% so với mức thực hiện trong năm qua
Doanh nghiệp dầu khí nương theo giá dầu
Năm 2025, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 114.654 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với con số 123.027 tỷ đồng thực hiện trong năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 752 tỷ đồng, dù cao hơn mức thực hiện năm qua (585 tỷ đồng) nhưng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước (đạt 8.455 tỷ đồng trong năm 2023).
Kế hoạch kinh doanh thận trọng của BSR được đặt ra trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới trong nửa cuối năm 2024 rơi xuống vùng thấp nhất trong vòng 3 năm. Điều này đã làm cho các nhà máy lọc dầu trên thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu trên khắp châu Á giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong 4 năm, kể từ năm 2020, sau khi nhu cầu nhiên liệu đạt đỉnh vào mùa hè.
Đáng chú ý, BSR điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2024 khi đã bước sang năm 2025. Sau khi điều chỉnh, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất sau thuế là 281,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với kế hoạch 1.148,2 tỷ đồng được đại hội cổ đông thường niên 2024 thông qua.
BSR thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh lợi nhuận khả năng không đạt kế hoạch do giá dầu cũng như crack spread cùng giảm sâu trong nửa cuối năm trước lo ngại suy thoái kinh tế và nhu cầu yếu từ Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới và là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hầu hết các tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới đều ghi nhận kết quả sụt giảm nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD) cho biết, trong năm 2025, dự báo giá dầu Brent trung bình ước khoảng 74 USD/thùng, giảm nhẹ so với mức 80 USD/thùng của năm 2024, chủ yếu do tăng lượng hàng tồn kho gây áp lực giảm giá. Riglogix dự báo, trong 4 năm tới, cần khoảng 45 - 50 giàn khoan tự nâng mỗi năm tại khu vực Đông Nam Á, do đó, việc Tổng công ty đầu tư giàn khoan tự nâng là bước đi chiến lược phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là thị trường trong nước đang khan hiếm giàn khoan. Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường và giá cho thuê giàn khoan, PVD đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 530 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 16% so với ước tính năm 2024.
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) cũng chia sẻ, giá dầu thô thế giới năm 2025 dự báo thấp hơn đáng kể so với năm 2024 và biến động giá dầu vẫn là yếu tố tác động khá lớn đến hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty trong năm nay.
Theo quan sát của chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, các doanh nghiệp ngành dầu khí thường có “truyền thống” đặt kế hoạch thấp hơn so với kết quả năm trước. Mặc dù khá nhiều doanh nghiệp trong ngành có cấu trúc tài chính tốt, nhiều dự án lớn và tiềm năng nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thận trọng trong xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận. Nguyên nhân chính là họ dự phóng giá dầu có thể có nhiều biến động, điều này cũng là dễ hiểu.
Nhiều doanh nghiệp “cài số lùi”
Năm nay, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) lên kế hoạch tổng doanh thu 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 774 tỷ đồng, chỉ tiêu doanh thu tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2024 nhưng lợi nhuận dự kiến giảm khoảng 30% và là mức thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay.
Lãnh đạo DCM đánh giá, Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) áp dụng thuế suất 5% với mặt hàng phân bón được kỳ vọng giúp kích cầu, do nông dân được hưởng lợi từ giá phân bón. Doanh nghiệp phân bón trong nước cũng sẽ cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm nhập khẩu, nông nghiệp nội địa được thúc đẩy. Tuy vậy, năm nay, DCM sẽ đối mặt với rủi ro liên quan đến giá khí có khả năng tiếp tục neo cao, làm đội chi phí hoạt động. Đồng thời, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tình trạng hạn hán, ngập lụt, dịch bệnh… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) cũng gây bất ngờ với cổ đông khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 giảm mạnh so với năm 2024. Cụ thể, năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt hành khách và 336.300 tấn hàng hóa; doanh thu đạt 95.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.176 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận 2025 của Vietnam Airlines giảm lần lượt 16,7% và 70% so với mức thực hiện trong năm 2024.
“Cài số lùi” song lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Hãng sẽ tập trung vào việc tăng hiệu suất khai thác đội tàu bay, nâng cao năng suất lao động và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế để đạt được hiệu quả kinh doanh tối ưu nhất.
Ở ngành chứng khoán, dù kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025 nhưng một số công ty chứng khoán vẫn đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2024. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) đặt mục tiêu doanh thu hoạt động và hoạt động tài chính đạt 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả năm 2024.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, những rủi ro liên quan đến bất ổn địa chính trị, sự thay đổi của các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế lớn sau bầu cử, cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ… sẽ tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2025 với những chỉ tiêu khá thận trọng.