Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo
Doanh nghiệp dù ở quy mô nhỏ và vừa vẫn có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kế toán… để tăng năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu
Tại hội nghị "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số bền vững", do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng 8.10, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Đức Trung cho biết, trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Theo đánh giá của Google, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28% và năm 2023 đạt 19%). Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Hiện, cả nước có khoảng 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 106% kế hoạch năm 2024.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất những chính sách lớn trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đáng chú ý, tháng 1.2021, Bộ đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình). Để triển khai chương trình, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố; thực hiện các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số chuyên sâu như tư vấn, đào tạo, hỗ trợ công nghệ…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số, tiến tới sự chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn, ông Trung thông tin.
Tập trung phát triển hạ tầng số, nhân lực số
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi số đơn thuần, mà cần phải gắn với chuyển đổi xanh để hướng tới nền kinh tế số bền vững. Đây không còn là lựa chọn mà mang tính bắt buộc đối với doanh nghiệp.
Dù vậy, thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những rào cản, đặc biệt là vấn đề tài chính và nhân lực, khi đại bộ phận doanh nghiệp nước ta có quy mô vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Dẫn kinh nghiệm thế giới, ông Viên Cương, chuyên gia Chương trình cho biết, tại Hàn Quốc, Chính phủ cùng với các tập đoàn hàng đầu đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số. Cùng với đó, nước này cũng thành lập nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo và các nền tảng trực tuyến để kết nối các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi số; thành lập nhiều quỹ để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi số…
Tại Malaysia, Chính phủ hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chuyển đổi số; tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực công nghệ số, xây dựng các nền tảng cũng như trung tâm đổi mới sáng tạo. Nước này cũng xây dựng mô hình cụm công nghiệp số, đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp kỳ lân. Trong năm 2022, nước này dành ngân sách 48 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ…
Tại Israel, Chính phủ chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lên tới 85% kinh phí; kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia đến để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhờ đó, từ 2010 đến nay, đã có 530 tập đoàn đa quốc gia hiện diện tại Israel…
Ông Viên Cương đúc kết, điểm chung ở nhiều quốc gia là đều có chiến lược dài hạn, đầu tư nguồn lực lớn cho chuyển đổi số, việc hỗ trợ được tập trung vào một số ngành và đối tượng cụ thể... Việt Nam có thể tham khảo để có giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, giải pháp cốt lõi là cần tập trung phát triển hạ tầng số, nhân lực số, tăng cường tiếp cận tài nguyên số, phát triển giải pháp số thông qua đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy kết nối số giữa doanh nghiệp và các tác nhân trong hệ sinh thái.
Về công cụ, nên phát triển một số trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số, thành lập các quỹ hỗ trợ, xây dựng các nền tảng kết nối số và xây dựng công cụ chuyển đổi số (tài liệu đào tạo, đánh giá năng lực). Cách tiếp cận thực hiện thì cần chia sẻ rủi ro tối đa (ví dụ tỷ lệ tài trợ lớn đối với các sáng kiến đổi mới sáng tạo); tăng cường các hoạt động tư vấn 1/1 cho doanh nghiệp để tối đa hóa hiệu quả cũng như đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các viện, trường. Về nguồn lực, cần huy động cả nguồn lực của Nhà nước lẫn tư nhân cho chuyển đổi số.
Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty CP MISA Lê Hồng Quang khuyến nghị, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể ứng dụng AI nhanh chóng và hiệu quả trong các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kế toán, nhân sự, văn phòng… “Việc ứng dụng AI vào sản phẩm để phục vụ gần 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ hội lớn song cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ trong phát triển đất nước. Về phía doanh nghiệp, hãy chủ động, không thể chậm hơn nữa trong việc tìm cách ứng dụng các công cụ AI để tăng năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của mình”, ông Quang lưu ý.