Doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn lớn của nhà nước có được đầu tư kinh doanh bất động sản?
Một số Đại biểu Quốc hội cho rằng nên cho phép các doanh nghiệp đầu tư lớn của nhà nước được đầu tư.

Ảnh minh họa.
Ngày 13/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa đến từ Đồng Tháp cho rằng về nguyên tắc vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đây là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng.
Có ý kiến cho rằng hễ Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì xem như đây là vốn của doanh nghiệp và vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Theo ông Hòa, như thế chưa hợp lý, không thể xem đây là vốn của doanh nghiệp được, phải xác định đây là vốn của Nhà nước. Từ vốn của Nhà nước mới nêu cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm.
Đại biểu Hòa cũng đề nghị quan tâm nhiều hơn đối với lĩnh vực Nhà nước đầu tư, đầu tư trong xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Có những trường hợp tư nhân không đầu tư, tư nhân không đầu tư thì Nhà nước không đầu tư là không được.
Ví dụ, thời gian qua, chúng ta đầu tư một số công trình đường cao tốc, công trình đường quốc lộ kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi BOT nhưng họ không làm, vậy ai làm? "Nhà nước phải làm. Đây là những chỗ khó, khó về giải phóng mặt bằng, hiệu quả, hiệu suất, về mặt kinh tế mà tư nhân cho rằng không cao. Cho nên tôi nghĩ rằng Nhà nước phải đầu tư. Đây là một điểm tất yếu mà chúng ta phải lo", ông Hòa nói.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, có một số ý kiến cho rằng không cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản hoặc cho thì phải báo cáo với cơ quan chủ quản sở hữu quản lý nhà nước về vốn. Đây là một điểm cũng cần quan tâm. Ví dụ, lĩnh vực ngân hàng có cho phép đầu tư, kinh doanh bất động sản hay không, có cho phép đầu tư chứng khoán hay không?
Tôi nói tập đoàn lớn của mình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí của Việt Nam được quyền đầu tư vào bất động sản hay đầu tư trên lĩnh vực kinh doanh về bất động sản.
Thời gian qua, có một số công ty lớn của chúng ta đầu tư ngoài ngành đã thất thoát và đã có những trường hợp vướng vào vòng lao lý. Bây giờ mình cho phép những trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành như vậy thì đề nghị có cân nhắc. Tất nhiên, hiện nay trong xã hội hóa trong hoạt động quản lý thị trường về đầu tư kinh doanh bất động sản, về chuyển nhượng các dự án... tất cả mọi người đều làm được thì doanh nghiệp cũng phải làm được chứ không phải không làm được.
Cho nên, đề nghị phải xem xét tùy lúc, tùy nơi, tùy điều kiện, doanh nghiệp nào được làm và doanh nghiệp nào không được làm chứ không phải chung chung là tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều được đầu tư bất động sản là không nên, không hay mà nên cho phép các doanh nghiệp đầu tư lớn của nhà nước được đầu tư.
"Trước đây, có một số đại biểu nói rằng không được kinh doanh bất động sản. Tôi nghĩ rằng được chứ không phải không được nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được. Cho nên, đề nghị cân nhắc để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất lâu dài vì kinh doanh bất động sản hiện nay là một món "béo bở", có khả năng lợi nhuận rất cao để bù đắp cho những chi phí khác, rất cần thiết nhưng không phải ai cũng được làm", đại biểu Hòa kiến nghị.
Trước đó, tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính - cho biết có ý kiến cho rằng quy định không cho doanh nghiệp nhà nước được kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh tại dự luật theo hướng "không hạn chế đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước".
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói quan điểm sửa luật lần này thay đổi, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, quy định hiện hành là quản lý doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước. Dự luật sửa lần này chỉ "quản" phần vốn Nhà nước tham gia tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Thắng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để có dự thảo luật chất lượng, chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân phát triển. Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 13/6.