Doanh nghiệp ngành bán lẻ đương đầu với thách thức

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng nhờ quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng gần đây có xu hướng chững lại và không như kỳ vọng.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2023 bình quân chỉ tăng khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành Công Thương đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 13-13,5%/năm (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước

Tình hình này đã gây ra nhiều lo ngại không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Có nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước đã góp phần vào sự chậm lại của thị trường bán lẻ Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, thu nhập của người dân giảm dẫn đến tiêu dùng cũng bị thắt chặt. Người tiêu dùng có xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, đồng thời giảm mua các sản phẩm không cần thiết, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ.

Lạm phát cũng là một yếu tố khá quan trọng gây áp lực lên thị trường bán lẻ. Khi giá cả hàng hóa tăng cao, sức mua của người tiêu dùng bị giảm, từ đó doanh thu bán lẻ cũng giảm theo. Lạm phát cao không chỉ ảnh hưởng đến sức mua mà còn làm tăng chi phí vận hành cho các doanh nghiệp, buộc họ phải tăng giá bán, gây thêm khó khăn trong việc thu hút khách hàng.

Ông Phạm Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thị trường trong nước là 100 triệu dân nên có sức tiêu thụ rất lớn, dư địa rất lớn. Nếu không có những giải pháp kích cầu tiêu thụ trong nước sẽ không tận dụng được cơ hội phát triển.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên ngày càng cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài và các thương hiệu lớn. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải liên tục cải tiến, điều chỉnh giá cả và tìm kiếm các chiến lược mới để duy trì thị phần. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp nên áp dụng các chính sách để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Doanh nghiệp nên áp dụng các chính sách để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, tăng chi phí vận chuyển và các vấn đề về logistics do ảnh hưởng của căng thẳng quốc tế đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa của các nhà bán lẻ, dẫn đến sự chậm lại trong tăng trưởng doanh thu.

Trước những thách thức này, cần có các giải pháp chiến lược nhằm cải thiện tình hình bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới. Để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp cần triển khai mạnh mẽ các chương trình khuyến mãi, giảm giá và ưu đãi. Những chiến dịch này nên được tổ chức vào các dịp lễ lớn hoặc các ngày đặc biệt để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách hoàn tiền, tặng voucher mua sắm cũng có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Chính phủ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, thông qua việc giảm thuế VAT hoặc cung cấp các khoản trợ cấp cho người dân có thu nhập thấp. Điều này sẽ giúp tăng sức mua và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Với xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quy trình giao hàng. Phát triển dịch vụ giao hàng nhanh chóng và linh hoạt sẽ giúp các doanh nghiệp giữ chân khách hàng và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trực tuyến.

Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ bằng cách giảm chi phí hoạt động, thông qua các biện pháp như giảm thuế hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi. Bên cạnh đó, việc cải thiện chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, cũng là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ, đào tạo và phát triển nhân lực cũng là một trong những giải pháp thiết yếu. Các chương trình đào tạo về kỹ năng bán hàng, quản lý kinh doanh và kỹ năng số sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Tập trung đào tạo về kỹ năng bán hàng, quản lý kinh doanh và kỹ năng số sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Tập trung đào tạo về kỹ năng bán hàng, quản lý kinh doanh và kỹ năng số sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Tại Việt Nam, Central Retail mang đến chuyên môn của mình tại Việt Nam thông qua các chuyên gia bán lẻ từ 15 quốc gia khác nhau. Những chuyên gia này đã làm việc trong lĩnh vực bán lẻ tại 21 quốc gia trên thế giới, trung bình mỗi người có từ 25-30 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ. Với sự hợp tác này, chúng tôi sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế cho các bạn sinh viên.

Việc hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp là cần thiết để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Chính phủ nên tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục pháp lý và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các nhà cung cấp lớn hoặc các công ty quốc tế để đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh.

Về phía doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tích cực nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng là rất cần thiết. Việc nhấn mạnh vào các yếu tố như an toàn, chất lượng sản phẩm và các giá trị gia tăng khác sẽ giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng. Để đảm bảo hiệu quả của các giải pháp đã đề ra, cần có sự theo dõi sát sao diễn biến của thị trường. Các doanh nghiệp cần lắng nghe phản hồi từ người tiêu dùng để có những điều chỉnh chính sách kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế.

Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với các giải pháp chiến lược và đồng bộ, tình hình có thể được cải thiện. Việc kích thích tiêu dùng, tăng cường kênh phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thị trường bán lẻ trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-nganh-ban-le-duong-dau-voi-thach-thuc-154626.html
Zalo