'Doanh nghiệp Mỹ khó rút khỏi Việt Nam trong ngắn hạn'

Doanh nghiệp Mỹ có thể cân nhắc kỹ trong việc đầu tư mới hoặc mở rộng còn với các nhà máy đang hoạt động trôi chảy thì khả năng dịch chuyển rất thấp.

Ông Lâm Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc điều hành dịch vụ thuế và tư vấn của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam.

Ông Lâm Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc điều hành dịch vụ thuế và tư vấn của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam.

Việc ngay lập tức yêu cầu các tập đoàn như Intel, Apple hay Microsoft rút khỏi Việt Nam là điều rất khó xảy ra trong ngắn hạn. Ông Lâm Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc điều hành dịch vụ thuế và tư vấn của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam, khẳng định trong một sự kiện bàn về các kịch bản ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.

Ông Lâm cho rằng, Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Á.

Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang có sự hiện diện sản xuất quan trọng tại Việt Nam, không chỉ để phục vụ thị trường Mỹ mà còn để cung ứng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là cơ sở để Việt Nam có tiếng nói hơn trong các cuộc đàm phán liên quan đến điều chỉnh thuế quan với Mỹ.

Thực tế, hơn 50% sản lượng toàn cầu của Nike đang được sản xuất tại Việt Nam. Với Apple, ít nhất 20% iPad và khoảng 80% thiết bị liên quan đến Apple Watch hiện đang được lắp ráp tại đây.

Dẫn lời cựu cố vấn cấp cao từng tham gia hoạch định chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, ông Lâm cho biết, chỉ riêng việc dịch chuyển 10% hoạt động sản xuất khỏi châu Á cũng cần ít nhất ba năm vì hoạt động sản xuất của Apple phụ thuộc rất nhiều chuỗi cung ứng và hàng trăm nhà cung cấp ở thị trường châu Á.

Nhiều tập đoàn công nghệ và sản xuất lớn như Samsung, Intel, Microsoft, Lego… đã đầu tư những dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Những dự án này có lộ trình phát triển dài hạn, bài bản và nghiêm túc. Do đó, khả năng các tập đoàn này rút lui hay thu hẹp hoạt động trong ngắn hạn là không cao.

“Tôi cho rằng họ có thể sẽ cân nhắc kỹ hơn trong việc đầu tư mới hoặc mở rộng còn với các nhà máy đang hoạt động trôi chảy thì khả năng dịch chuyển là rất thấp. Đơn giản vì các nhà máy này không chỉ phục vụ thị trường Mỹ mà còn cho cả châu Á và châu Âu, đặc biệt là thị trường châu Á đang ngày càng có sức tiêu thụ lớn, từ Trung Quốc, Ấn Độ đến các nước ASEAN”, ông Lâm phân tích.

Ngoài yếu tố thị trường, vị trí địa lý thuận lợi và chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cũng là những điểm cộng lớn. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Singapore, mức ưu đãi hiện tại của Việt Nam đang ở mức cạnh tranh tốt.

“Trong vài tuần gần đây, tôi chưa gặp trường hợp doanh nghiệp nào chủ động tiếp cận để bàn về việc rút khỏi Việt Nam”, ông Lâm nói.

Đặc biệt khi Mỹ tạm hoãn áp thuế thêm 90 ngày để đàm phán, ông Lâm hy vọng Việt Nam vẫn có cơ hội duy trì dòng vốn FDI và giữ được sự tin tưởng của các tập đoàn toàn cầu.

Việt Nam không chỉ là điểm đến sản xuất, mà còn là nơi cung ứng quan trọng cho thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh. Theo ông Lâm, các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Mỹ mà RSM đang trực tiếp phục vụ như Walmart, Target, William Sonoma... tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam không chỉ để phục vụ thị trường nội địa, mà còn để cung ứng cho hệ thống các cửa hàng đang vận hành tại nhiều quốc gia châu Á.

Vì vậy, nếu có điều chỉnh thuế quan, ông Lâm cho rằng mức thuế phù hợp mà Mỹ nên áp với Việt Nam kể cả khi tính lại theo các công thức phân tích gần đây cũng chỉ nên ở mức 11 - 12%.

“Mức thuế 11 - 12% là ngưỡng hợp lý, cân bằng được cả yêu cầu chính sách và khả năng vận hành hiệu quả của các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nghiep-my-kho-rut-khoi-viet-nam-trong-ngan-han-d39697.html
Zalo