Doanh nghiệp kiến nghị gì với Thủ tướng về xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam?

Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Sơn Hải đều là doanh nghiệp có tiếng về việc phát triển đường cao tốc Bắc - Nam đã có những kiến nghị tháo gỡ khó khăn khi diện kiến Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải cho biết: Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, cải thiện việc chậm tiến độ, đội vốn. Việc nâng tiến độ, đưa công trình vào khai thác đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Để đạt được những kết quả đó, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và bộ, ngành đã truyền cho các chủ thể liên quan một luồng gió mới, một cảm hứng để phát triển, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải.

Sơn Hải là tập đoàn đầu tư hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông. Những năm qua, Tập đoàn vừa là nhà thầu, vừa là nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh VGP.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh VGP.

Bên cạnh những kết quả tích cực, doanh nghiệp có một số vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo hành công trình cấp 1 trở lên là 24 tháng (2 năm). Nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất được bảo hành 10 năm. Trong trường hợp này, Tập đoàn đề xuất khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư chỉ giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm, không cần giữ lại khoản bảo lãnh 10 năm, để tránh đọng vốn của nhà thầu.

Lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp để doanh nghiệp có thể tăng thời gian bảo hành. Vì khi doanh nghiệp đăng ký gói bảo hành 10 năm thì có thể yên tâm hơn trong đầu tư, áp dụng công nghệ cao, bảo dưỡng…

Cũng có mặt tại Hội nghị, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Tập đoàn Đèo Cả rất vinh dự nhận được sự ủng hộ và quan tâm của Đảng và Chính phủ từ những ngày đầu năm khi được tham gia chương trình an sinh xã hội thông qua việc xây dựng công trình Khoa khám bệnh và Điều trị - Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ; nghiên cứu xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 2 đoạn từ Tân Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy. Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế đất nước.

Tập đoàn cũng xin tri ân sự động viên của Thủ tướng Chính phủ, khi trực tiếp kiểm tra các dự án trọng điểm như Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một và mới đây là kiểm tra cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ cơ bản các nút thắt về thể chế, nguồn vốn tín dụng, yêu cầu khai thác đồng bộ hiệu quả các dự án cao tốc.

Với kim chỉ nam "Tự lực – Tự cường – Tự tôn dân tộc" trong mọi hoạt động, Đèo Cả tận tâm - tận lực - tận hiến, không ngại gian nan, sẵn sàng đương đầu với những thách thức khó khăn nhất.

Tập đoàn Đèo Cả phát triển từ phương châm "Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt" và xây dựng chiến lược "tăng trưởng tập trung". Để đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, Đèo Cả muốn đóng góp ý kiến thông qua 2 mô hình.

Thứ nhất là mô hình quản trị doanh nghiệp (thực chiến). Từ một doanh nghiệp tư nhân với mô hình hợp tác xã tại tỉnh Phú Yên, chúng tôi đã xây dựng nguồn lực để tham gia hạ tầng giao thông. Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả có 20 đơn vị thành viên với quy mô 8.000 lao động, hoàn thành đầu tư, thi công hơn 47 km hầm đường bộ, 480 km đường cao tốc & quốc lộ, quản lý 18 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.

Tập đoàn đã chứng thực mô hình quản trị thành công, chuẩn hóa quy trình quản lý doanh nghiệp giao thông, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thực chiến không chỉ cho mình đã nhân rộng cho các đối tác là doanh nghiệp cùng nghành nghề.

Thứ hai là mô hình tài chính liên kết, kết nối với các doanh nghiệp khác cùng đầu tư, thi công theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ" để cùng tham gia các Dự án đầu tư PPP. Qua đó, tổ chức đào tạo nâng cao khả năng quản trị, năng suất lao động khi tối ưu sản xuất khi kiểm soát chi phí khi đưa công nghệ vào quản lý chi phí, năng cao năng suất lao động khi tham gia thi công các Dự án đầu tư công, hay hoạch định chuẩn bị nhân lực để thực hiện công trình đường sắt và metro trong tương lai.

Khi xây dựng mô hình hợp tác, Đèo Cả xác định trước mắt có thể có một số vướng mắc về cơ chế chính sách, quan điểm nhìn nhận đầu tư… nhưng nếu kiên định sẽ phát huy tiềm năng lợi ích lâu dài. Liên kết đầu tư để tạo lợi nhuận khi kết nối với các doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp vận tải làm trạm dừng nghỉ, Tập đoàn cung cấp thép xây dựng.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cần sự nối kết của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác, cần cụ thể việc đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro...".

Thứ ba, mô hình xây dựng văn hóa và ứng dụng công nghệ. Đèo Cả luôn quan niệm "văn hóa và nhân lực là hai thứ không thể vay mượn", từ đó tự chủ xây dựng nền văn hóa riêng và tự chủ trong hoạt động… Chú trọng xây dựng văn hóa Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, xác định mục tiêu của các Đảng bộ, chi bộ phải đồng hành cùng phát triển kinh tế của Doanh nghiệp. Hiện nay Tập đoàn Đèo Cả có 2 Đảng bộ, 10 chi bộ trực thuộc và 200 đảng viên.

Sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước, Tập đoàn đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực; chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế.

 Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP.

Để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phần triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra một số kiến nghị, giải pháp:

Tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước. Cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm không được giải quyết, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí;

Xác định giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư PPP. Cần đánh giá nghiêm túc các dự án của tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí… so với các dự án của khối Nhà nước và để chọn lọc các doanh nghiệp làm tốt, tạo điều kiện để trở thành các con chim đầu đàn của ngành nhằm tạo điều kiện để dìu dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển;

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành "doanh nghiệp dân tộc". Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang sứ mệnh lớn hơn là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế;

Đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hòa nhập quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình từ các quốc gia tiên tiến nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án;

Tiếp tục kiến tạo cơ chế để Đảng viên và tổ chức Đảng thực sự đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-gi-voi-thu-tuong-ve-xay-dung-duong-cao-toc-bac-nam.html
Zalo