Doanh nghiệp không mong vay được nguồn vốn rẻ mà muốn có sự đồng hành

Đó là chia sẻ của bà Bùi Bích Liên, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM tại Hội thảo 'ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu' do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/11.

Bà Bùi Bích Liên, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM. Ảnh Dũng Minh.

Bà Bùi Bích Liên, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM. Ảnh Dũng Minh.

Bà Bùi Bích Liên chia sẻ quan điểm, trong ESG, yếu tố G- Governance (quản trị doanh nghiệp) là quan trọng. Doanh nghiệp bắt đầu từ việc mang lại giá trị thiết thực, hữu hiệu trong cuộc sống sẽ góp phần giảm thiểu đi những khó khăn ở phía sau, thúc đẩy phát triển bền vững.

Doanh nghiệp nên chọn mô hình kinh doanh mang tính đến yếu tố lợi ích mang lại cho khách hàng, nỗi đau doanh nghiệp có thể giải quyết, sản phẩm có thể giải quyết cho khách hàng là điều thiết thực.

Chia sẻ về thực hành ESG trong doanh nghiệp, bà Liên nhận định, với yêu cầu hiện nay, sản phẩm xuất khẩu phải có chứng nhận ESG là thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.

Để có hướng đi bền vững, bà Liên cho rằng, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp kinh doanh hữu hiệu, không giải quyết vấn đề trên ngọn mà giải quyết tận gốc. Xanh không phải để PR (truyền thông) mà Xanh để giải quyết các vấn đề đang xảy ra trong xã hội. Như EMCOM đang ứng dụng công nghệ vi sinh của Nhật Bản, làm sản phẩm tắm gội bằng vi sinh, khi xả thải ra môi trường an toàn, góp phần bảo vệ môi trường.

"Chuyển đổi kép, sử dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh mang lại giá trị thiết thực, đi theo bền vững là yếu tố thiết thực", CEO EMCOM chia sẻ. Ảnh Dũng Minh

"Chuyển đổi kép, sử dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh mang lại giá trị thiết thực, đi theo bền vững là yếu tố thiết thực", CEO EMCOM chia sẻ. Ảnh Dũng Minh

"Ở mỗi người ADN là duy nhất của cơ thể, hệ vi sinh của cũng là duy nhất của mỗi cơ thể nên sự thích nghi của nó và vấn đề của nó rất khác nhau và tiếp cận trực diện với từng vấn đề rất hiệu quả trong phát triển sản phẩm bền vững. Tôi làm về thực phẩm hữu cơ trong 8 năm qua, trong nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải là vấn đề rất nan giải, đòi hỏi mất nhiều thời gian. Tôi may mắn tiếp cận công nghệ vi sinh của nhật bản, được chuyển giao công nghệ được những sản phẩm mới tắm gội vi sinh, khi xả thải ra môi trường, bảo vệ môi trường", CEO EMCOM chia sẻ.

Tuy nhiên, một khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa như EMCOM là nguồn vốn. Dòng vốn là dòng máu, nuôi dưỡng doanh nghiệp.

"Chúng tôi không cần nguồn vốn rẻ mà cần sự đồng hành. Ngoài tiêu chí doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu như thế nào để được vay vốn, cần có tiêu chí xem xét doanh nghiệp có đóng góp gì cho xã hội, vốn mà ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mang lại giá trị gì. Đây nên xem là một tiêu chí quan trọng đánh giá tác động của vốn đầu tư mang lại giá trị. Còn các yếu tố về công việc, môi trường xanh chỉ là bề nổi còn giải pháp khoa học, chuyển đổi kép, sử dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh mang lại giá trị thiết thực, đi theo bền vững mới là thiết thực", bà Bùi Bích Liên, Nhà sáng lập EMCOM khẳng định.

Ngoài ra, bà Liên cho rằng nguồn vốn ngắn hạn hay các chính sách ưu đãi về thuế chỉ đóng góp một phần nào cho doanh nghiệp phát triển, yếu tố quan trọng lâu dài vẫn là những bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, doanh nghiệp, đang giải quyết vấn đề gì sâu xa của xã hội, cải thiện môi trường đang sống như thế nào. Doanh nghiệp tự tin khi được xã hội đón nhận, ủng hộ.

Đại diện EMCOM nhấn mạnh giá trị thiết thực mà doanh nghiệp mang đến cộng đồng, mong muốn cải thiện sức khỏe cần được nhìn nhận đánh giá, bởi sức khỏe đắt giá tác động đến người xung quanh.

Trả lời câu hỏi của ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư về vấn đề nếu tiêu chí xanh các ngân hàng công bố đồng loạt, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn không, dù không cần vốn giá rẻ? Bà Bùi Bích Liên khẳng định, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, nếu tiêu chí xanh các ngân hàng đồng loạt công bố, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận, không đáp ứng được nhiều tiêu chí.

"Chúng tôi đã từng bị loại trong một lần gửi hồ sơ nhận nguồn vốn ưu đãi vì doanh nghiệp bắt đầu từ những ngày nhỏ bé không đáp ứng các tiêu chí. Nguồn vốn hạn hẹp khiến chúng tôi khó lan tỏa tới cộng đồng với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vậy chúng tôi muốn có sự đồng hành, sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, cơ quan ban ngành sẽ là giá trị tốt, ảnh hưởng tới xung quanh cộng đồng. Cùng với đó là sự đồng hành của các doanh nghiệp, tập đoàn khác, chúng tôi không có khả năng làm phòng LAB nghiên cứu phát triển nhưng nếu phối hợp với các doanh nghiệp có nguồn lực, sẽ mở ra các cơ hội tốt hơn", bà Liên cho biết.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-khong-mong-vay-duoc-nguon-von-re-ma-muon-co-su-dong-hanh-post358346.html
Zalo