Doanh nghiệp kêu cứu về nạn 'chảy máu' mía nguyên liệu
Chuỗi liên kết sản xuất mía đường của Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng đã tạo sinh kế cho trên 5.000 hộ dân trồng mía, nộp thuế cho nhà nước mỗi năm trên 15 tỷ đồng. Thế nhưng, Công ty này đang đứng trước nguy cơ giải thể vì thiếu nguyên liệu, do nạn tư thương không đầu tư nhưng tranh thu mua mía nguyên liệu để xuất khẩu sang Trung Quốc…
Từ tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, Công ty Mía đường Cao Bằng –được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng từ năm 2006. Tại Hội nghị tổng kết ngành mía đường Việt Nam, niên vụ 2023/24 tại Gia Lai vừa qua, ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng, cho biết vùng nguyên liệu của Công ty được UBND tỉnh Cao Bằng cấp quy hoạch với diện tích 4.200ha. Phần lớn diện tích trồng mía này nằm trên địa bàn vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
NÔNG DÂN “BẺ KÈO”, BÁN MÍA CHO THƯƠNG LÁI
Trong chuỗi liên kết sản xuất mía đường, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng đầu tư cung ứng trước vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ), tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân trồng mía. Đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu với từng hộ trồng mía trong vùng, giá thu mua được công khai minh bạch, chia sẻ tối đa lợi ích với người trồng mía phù hợp giá đường theo từng thời kỳ, tổ chức tốt việc thu mua và thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền mía cho người dân.
Ông Quyết cho biết chuỗi liên kết sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tạo ra sinh kế cho trên 5.000 hộ dân, giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 lao động tham gia dây chuyền sản xuất, nộp ngân sách nhà nước mỗi năm trên 15 tỷ đồng, cao nhất năm 2022 đạt 24,7 tỷ đồng. Công ty đã góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.
"Việc người dân trồng mía tự ý bán mía cho thương lái, không chỉ gây thất thoát vốn của Công ty vì trước đó đã đầu tư cho người dân ở vùng nguyên liệu, mà còn làm ảnh hưởng đến sản lượng ép của Công ty trong suốt quá trình vận hành”.
Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần mía đường Cao Bằng.
Tuy nhiên, hiện nay Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ giải thể vì thiếu nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất. "Tư thương không đầu tư nhưng tranh thu mua mía trong vùng nguyên liệu công ty chúng tôi đầu tư để xuất khẩu sang Trung Quốc (đất nước có chính sách bảo hộ ngành mía đường nên giá đường và giá mía đều cao hơn Việt Nam)”, ông Thuyết nêu thực tế.
Nhìn lại niên vụ sản xuất mía đường 2023/24, ông Thuyết cho biết năm vừa qua toàn tỉnh Cao Bằng có diện tích trồng mía 2.450 ha ha, tập trung tại 3 huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An. Trong đó, địa bàn Quảng Hòa chiếm trên 96% diện tích.
Lý giải về việc diện tích vùng nguyên liệu mía tại Cao Bằng được quy hoạch 4.200 ha, nhưng diện tích trồng mía chỉ chưa tới 2.500 ha, ông Thuyết cho hay trong vòng một thập kỷ qua, nhiều nông dân đã tự chuyển đổi sang trồng những loại cây khác.
Hiện tại, có 3.959 hộ dân trồng mía ký hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng. Niên vụ năm 2023/24, Công ty tiếp tục triển khai các chính sách đầu tư, khuyến khích đối với các hộ trồng mía như cho vay trả chậm phân bón, giống mía chất lượng cao không tính lãi, thuốc bảo vệ thực vật, trợ giá mía giống đối với các hộ trồng mới với tổng số tiền đầu tư trên 13,4 tỷ đồng.
Ở công đoạn thu hoạch và thu mua mía, Công ty xây dựng kế hoạch, sắp xếp, phân bổ số lượng đốn chặt cho từng địa bàn cụ thể, vận chuyển mía nguyên liệu kịp thời, đáp ứng dây chuyền sản xuất. Công ty cũng niêm yết công khai giá thu mua mía nguyên liệu và mía giống điều chỉnh tăng thêm hơn 80 đồng/kg mỗi loại gửi UBND các xã, thị trấn và các hộ trồng mía nguyên liệu. Cụ thể, giá thu mua tại ruộng loại A 1.300 đồng/kg, loại B 1.230 đồng/kg, loại C 1.150 đồng/kg; giá thu mua tại Công ty loại A 1.390 đồng/kg, loại B 1.320 đồng/kg, loại C 1.240 đồng/kg.
Thế nhưng, trong vụ sản xuất, qua kiểm tra tình hình thực tế, Công ty phát hiện nhiều diện tích mía thuộc vùng nguyên liệu của Công ty bị một số tư thương thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Để hỗ trợ nông dân trồng mía nguyên liệu, hằng năm, Công ty đầu tư 3 - 4 triệu đồng cho mỗi hộ, đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư đường nội đồng cho các xã vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, tư thương đưa ra giá thu mua chênh lệch hơn so với giá Công ty chỉ từ 10 - 20 đồng/kg nên nhiều người dân trong vùng nguyên liệu không thực hiện đúng cam kết hợp đồng và bán sản phẩm cho tư thương", ông Thuyết nói.
CẦN BẢO VỆ CHUỖI LIÊN KẾT SẢN XUẤT MÍA ĐƯỜNG
Theo điều tra khảo sát của UBND huyện Quảng Hòa, vào thời gian thu hoạch mía chính vụ, lượng mía xuất khẩu sang Trung Quốc trung bình từ 400 - 500 tấn/ngày. Tại huyện Quảng Hòa, một số công ty, hợp tác xã ngang nhiên và công khai, đặt biển, địa điểm thu mua mía thậm chí thu mua sản phẩm mía của nông dân sát ngay gần nhà máy.
Điển hình tại tổ dân phố Hưng Long, thị trấn Tà Lùng, Công ty TNHH một thành viên máy và dịch vụ nông nghiệp Sơn Hà đặt trạm cân và thu mua mía; tại tổ dân phố 1, thị trấn Hòa Thuận, Hợp tác xã nông - lâm nghiệp Phục Hòa cũng tổ chức cho các loại phương tiện như công nông, xe đầu kéo để vận chuyển mía; tại các xóm Bản Tin - Lũng Tao, Lũng Luông, xã Hạnh Phúc… một số người dân đốn chặt mía vận chuyển đến các trạm cân bán mía cho một số tư thương, doanh nghiệp khác.
"Trong vụ ép 2023/2024 sản lượng mía tư thương xuất chính ngạch sang Trung Quốc đạt lên tới 30.000 tấn (chiếm trên 20% tổng sản lượng mía nguyên liệu toàn vùng). Do nạn tư thương tranh mua nguyên liệu xuất sang Trung Quốc, khiến Công ty Mía đường Cao Bằng thiếu nguyên liệu trầm trọng, chỉ vận hành dây chuyền sản xuất với công suất 1.600 tấn mía/ngày". ông Thuyết chia sẻ.
“Dự kiến niên vụ 2024/2025 tình trạng trên diễn ra sẽ càng nghiêm trọng hơn. Vì tư thương đang lắp đặt các trạm thu mua rải khắp vùng trọng điểm của địa bàn nguyên liệu Công ty chúng tôi”.
Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần mía đường Cao Bằng.
Thời gian qua, nhằm chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu mía, Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng đã có công văn về việc tăng cường hỗ trợ ngăn chặn tư thương tranh mua mía gửi các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Hòa.
UBND huyện Quảng Hòa cũng ban hành Công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, đơn vị chức năng về việc phối hợp ngăn chặn tư thương tranh mua mía trong vùng nguyên liệu của Công ty.
Mặt khác, UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các hộ dân trồng mía nguyên liệu thực hiện tuân thủ nghiêm túc theo hợp đồng đã ký với Công ty, không tự ý bán mía nguyên liệu cho các đối tượng, đơn vị, tư thương khác.
Thế nhưng, thực tế do sự thiếu quyết liệt của chính quyền các xã trong vùng, các hành động chỉ ở mức độ vận động tuyên truyền nên chưa giải quyết được vấn đề.
Việc tư thương không đầu tư, không được cấp quy hoạch vùng trồng mà tổ chức tranh thu mua để xuất khẩu đã đang xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi nhà đầu tư, tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng, gây nhiễu loạn trên địa bàn, phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất, đi ngược tinh thần nghị định 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của chính phủ về việc “chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” và chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của thủ tướng chính phủ về việc “triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”
Do vậy, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng kiến nghị bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ ngành liên quan; Hiệp hội mía đường Việt Nam trên cơ sở các quy định hiện hành ban hành văn bản, chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ chuỗi liên kết sản xuất mía đường tại tỉnh Cao Bằng.