Doanh nghiệp gỗ đứng ngồi không yên

Tổng thống mới của Mỹ có quyết định được xem là khó đoán, chỉ riêng việc áp mức thuế cao cũng làm cho giới doanh nghiệp lo lắng.

Ngày 19-2, tại sự kiện giới thiệu Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam – VIFA EXPO, diễn ra từ ngày 5 đến 8-3 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (TP HCM), ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam, cho biết tình hình thế giới hiện nay nhiều biến động, gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành đồ gỗ xuất khẩu.

Theo ông Mạnh, diễn biến kinh tế toàn cầu hiện rất khó lường, luôn thay đổi và khác biệt so với trước đây. Nếu trước kia có thể dự đoán kinh tế dựa vào tình hình chính trị, thì nay mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Thị trường có thể thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm, tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc Mỹ tăng thuế gần đây đã gây áp lực nặng nề, tạo ra rào cản lớn cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Khi mức thuế từ 5% – 10% tăng lên 25%, gần như không doanh nghiệp nào có thể tăng lợi nhuận gấp đôi trong thời gian ngắn để bù đắp chi phí này.

Doanh nghiệp gỗ đứng ngồi không yên vì Tổng thống Donald Trump

Doanh nghiệp gỗ đứng ngồi không yên vì Tổng thống Donald Trump

Trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt và chính sách của Mỹ ưu tiên lợi ích quốc gia, ông Mạnh nhận định doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ mối quan hệ quốc tế thân thiện. Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng thay thế thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và thích ứng với thay đổi.

Dù đối mặt nhiều khó khăn, vẫn có những điểm sáng. Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thường linh hoạt, dễ thích ứng với biến động.

Tuy nhiên, để trụ vững, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy chiến lược. Thay vì xây dựng kế hoạch dài hạn cứng nhắc, họ cần đặt ra mục tiêu linh hoạt, điều chỉnh theo từng năm và sẵn sàng thay đổi chiến lược khi thị trường biến động. Chẳng hạn, nếu Mỹ tăng thuế, doanh nghiệp cần có ngay kế hoạch ứng phó, từ tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất đến điều chỉnh mục tiêu kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng việc tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh giá cả thị trường ngày càng giảm, chỉ những doanh nghiệp có nội lực mạnh mới có thể tồn tại. Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp nào không thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Mạnh đề nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một khu vực nhất định. Chuyển đổi số cũng là yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và mở rộng kênh phân phối thông qua không gian mạng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa quy trình bán hàng.

Theo ông Mạnh, ngành đồ gỗ Việt Nam cũng có nhiều lợi thế riêng biệt. Các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ, vừa phục vụ xuất khẩu vừa tiêu thụ trong nước. Khi các thị trường nhập khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhờ sử dụng nguồn gỗ hợp pháp, minh bạch. Ngoài ra, nguồn gỗ tràm bông vàng trong nước ngày càng dồi dào cũng giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Đặc biệt, người tiêu dùng Mỹ rất ưa chuộng sản phẩm từ gỗ nguyên liệu trong nước họ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng lợi thế này, vừa có thể hạ giá thành vừa gia tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ trong minh bạch hóa nguồn gốc gỗ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, dài hạn.

Tin-ảnh: Nguyễn Hải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-go-dung-ngoi-khong-yen-196250219135042042.htm
Zalo