Doanh nghiệp đứng trước giai đoạn phát triển mới
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng cũng như đặt niềm tin vào công cuộc cải cách, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ.
Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh.
- Ông có thể cho biết thực trạng của việc tuân thủ quy định, thủ tục hành chính của các doanh nghiệp?
- Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đã có những bước tiến đáng kể trong việc tuân thủ quy định, thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết.
Trong đó, những điểm tích cực gồm: Nhận thức pháp luật được nâng cao nhờ ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó chủ động tìm hiểu và áp dụng đúng các quy định hiện hành. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch. Song hạn chế vẫn là khó khăn trong tiếp cận thông tin pháp luật và hiểu đúng các quy định pháp luật mới ban hành. Chi phí thực hiện các bước để tuân thủ các thủ tục hành chính còn cao gây áp lực cho doanh nghiệp.
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả đơn giản hóa thủ tục, cải cách hành chính thời gian qua?
- Chính phủ đã rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết; nhiều bộ, ngành đã tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại lợi ích thiết thực. Song, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương, bộ, ngành vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Theo báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, một số cơ quan có xu hướng giảm điểm. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
- Vì sao một số doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng khi thực hiện nhiều loại thủ tục để được giải quyết nhu cầu chính đáng của mình?
- Dù đã có nhiều cải cách, một số thủ tục vẫn còn phức tạp, yêu cầu nhiều loại giấy tờ, dẫn đến việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ.
Có những thủ tục hành chính còn chồng chéo giữa các bộ, ngành, hoặc giữa chính quyền trung ương và địa phương. Điều này khiến doanh nghiệp phải làm việc với nhiều cơ quan khác nhau, gây mất thời gian và công sức. Một số quy định chưa được diễn giải rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan.
Mặt khác, một số cơ quan chức năng vẫn chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục, nhất là liên quan đến đất đai, đầu tư và xây dựng. Một số thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau, từ đó phát sinh các chi phí không chính thức hoặc mất thêm thời gian để theo dõi tiến độ. Ví dụ, một dự án đầu tư có thể phải qua nhiều giai đoạn xét duyệt ở các cấp khác nhau trước khi được phê duyệt. Một số hệ thống dịch vụ trực tuyến chưa đồng bộ, thiếu tích hợp đầy đủ các quy trình nên doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng.
Những hạn chế trên làm giảm hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng rủi ro cho doanh nghiệp và làm mất niềm tin vào hệ thống hành chính.
- Ông cảm nhận thế nào khi Đảng, Nhà nước quyết tâm tinh giản bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội?
- Tôi đánh giá rất cao và tâm đắc với quyết tâm, tầm nhìn chiến lược của Đảng. Việc kêu gọi huy động nội lực, tinh giản bộ máy và cải cách hệ thống nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân không chỉ là một bước đi cần thiết mà còn là một chiến lược mang tính đột phá.
Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình trở thành một quốc gia phát triển, Đảng ta đã nhìn nhận rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và khẳng định vị thế quốc gia. Tinh giản bộ máy và cải cách hệ thống không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính mà còn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp.
Là người hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ và đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Tinh thần huy động nội lực, cải cách, tăng tốc mà Đảng đề cao chính là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, việc giảm thiểu thời gian, công sức mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính không chỉ giúp giải phóng nguồn lực mà còn tăng thêm niềm tin của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi tin rằng, khi hệ thống hành chính trở nên tinh gọn và hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để tập trung vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Tất cả nhằm hiện thực hóa kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
- Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, thụ hưởng như thế nào?
- Việc sắp xếp bộ máy hành chính là vô cùng cần thiết và sẽ thu về hiệu quả tích cực. Khi các doanh nghiệp được thụ hưởng trọn vẹn những thành tựu đổi mới và cải cách hành chính, tôi tin rằng diện mạo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực và sâu rộng, tạo nên một "bức tranh" kinh tế tươi sáng, năng động và bền vững.
Về tổng thể, doanh nghiệp sẽ vận hành hiệu quả hơn; môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn; khả năng đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh; đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự phát triển bền vững… Từ đó tiến tới hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 2 con số trong tương lai gần.
- Trân trọng cảm ơn ông!