Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải 'bóng ma' thuế quan cao?

Thay vì lo toan và chờ đợi một phép màu trước 'bóng ma' thuế quan cao từ Mỹ, đây là lúc mà các doanh nghiệp dệt may nội địa cần hành động ngay lập tức, có những điều chỉnh chiến lược, thay đổi từ ngắn hạn, trung hạn cho đến ưu tiên những mục tiêu dài hạn. Nếu không hóa giải, nguy cơ bị phá sản là khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh bất ổn thương mại như hiện nay, đặc biệt là vấn đề thuế đối ứng cao của Mỹ, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM (Agtek), đã dự đoán trong quý 3 và quý 4/2025 tình hình xuất khẩu (XK) có thể sẽ ảm đạm với các doanh nghiệp (DN) dệt may của Việt Nam.

Lo toan và chờ đợi

Như lưu ý của ông Hồng, hiện nay các khách hàng quốc tế đang lo và “thủ thế” nên rất cẩn thận, chưa hứa hẹn kế hoạch hợp tác với DN dệt may trong hai quý cuối của năm nay. Thật ra, họ đang theo dõi sát tình hình diễn biến thương mại Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Việt Nam, cũng như các biến động địa chính trị trên thế giới.

Do khả năng tự chủ nguyên liệu còn yếu nên các DN dệt may Việt Nam vẫn tìm kiếm và nhập khẩu nguồn nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc.

“Cho nên đa phần thời điểm này các DN chủ yếu làm những đơn hàng nhỏ lẻ, nhưng điều này cũng có thể giúp DN giảm bớt một phần rủi ro”, ông Hồng nói.

Trao đổi với VnBusiness bên lề Triển lãm China Homelite Vietnam 2025 (diễn ra ở Tp.HCM trong các ngày 14 - 16/5, quy tụ hơn 500 DN, đại diện cho hơn 800 thương hiệu Trung Quốc tham gia trưng bày các sản phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, trang thiết bị, dụng cụ, công nghệ, dịch vụ phục vụ cuộc sống gia đình), vị chủ tịch của Agtek nói rằng các DN dệt may nội địa đang đứng trước lo toan không biết diễn tiến thời gian tới sẽ như thế nào.

Điều này cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may (đặc biệt là từ Trung Quốc) trong thời gian tới. Bởi lẽ, như lý giải của ông Hồng, khi đơn hàng giảm, kế hoạch chưa có, nên DN vẫn còn phải chờ kết quả đàm phán về thuế đối ứng của Mỹ như thế nào với tính tiếp đến chuyện nhập khẩu nguyên phụ liệu, nói chung là mọi thứ vẫn đang trong khuynh hướng chờ đợi.

Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến một cách tiêu cực thì cũng không loại trừ việc một số DN có thể sẽ tạm ngưng hoạt động. Mặc dù vậy, theo vị chủ tịch Agtek, các DN dệt may vẫn có hy vọng chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ được điều chỉnh phù hợp thông qua đàm phán với Việt Nam.

Thực tế cho thấy, với chính sách thuế quan cao của Mỹ đang đặt ra nhiều thách thức cam go cho xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam với mục tiêu đạt kim ngạch 48 tỷ USD trong năm 2025.

Ngay từ 5/4/2025, khi tất cả các sản phẩm dệt may của Việt Nam XK sang Mỹ đều bị áp thêm 10% thuế, đã và đang tạo ra sự mất cân bằng trong động lực thương mại của ngành dệt may Việt Nam khi mức thuế trung bình đã tăng ba lần từ 5% lên 15%.

Và sau 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng, nếu mức thuế đối ứng từ Mỹ tăng lên 46%, mức thuế mới sẽ vượt quá 51% (tùy thuộc vào loại sản phẩm), tức là tăng gấp 10 lần so với mức thuế hiện tại. Như thế sẽ ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm trong ngành dệt may.

Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài (đặc biệt là từ Trung Quốc) về nguyên phụ liệu. Số liệu của riêng hồi quý 1/2025 đã thể hiện rõ kim ngạch nhập nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày từ Trung Quốc là hơn 976,3 triệu USD, tăng 18,99% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu vải các loại từ Trung Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD (tăng 12,85% so với cùng kỳ năm 2024).

Cũng nên nhắc thêm, cách đây 2 năm, tổng giá trị vải nhập khẩu vào Việt Nam là 13,2 tỷ USD, tương đương hơn 33% tổng giá trị các mặt hàng dệt may XK. Và như thừa nhận của ông Phạm Xuân Hồng, khả năng tự chủ nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam vẫn còn yếu.

Chính từ khả năng tự chủ yếu, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi XK lại phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường lớn (trong đó Mỹ là thị trường số một) khiến ngành dệt may dễ bị tổn thương bởi những thay đổi về thuế quan và biến động địa chính trị.

Đừng để dẫn tới phá sản

Mới đây, trong biên bản đại hội cổ đông thường niên năm 2025, lãnh đạo CTCP May Sông Hồng (MSH) cho rằng việc Mỹ đánh thuế tăng thêm 10% đã thêm nhiều khó khăn, nếu vượt quá con số đó thì sẽ khiến nhiều DN phá sản. Và vào thời điểm này công ty vẫn trông chờ vào kết quả đàm phán của các chính phủ, quyết định của khách hàng và các bên sẽ đàm phán để tìm giải pháp chia sẻ khó khăn.

Cũng theo phía MSH, thuế quan là sức ép cho tất cả. Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn của thế giới, cùng với Indonesia, Bangladesh, do đó khách hàng, đối tác sẽ không bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam thì cần tập trung các biện pháp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, xét về việc đa dạng thị trường XK thì tất cả thị trường mới đều phải thận trọng, quan trọng là xem xét khả năng thanh khoản của khách hàng.

Trong khi đó, Phó giáo sư Rajkishore Nayak, chuyên gia quản trị DN thời trang (Đại học RMIT), bày tỏ lo ngại rằng chính sách thuế quan cao từ Mỹ sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất dệt may tại Việt Nam, khiến các thương hiệu Mỹ hiện đang nhập khẩu từ Việt Nam có thể tìm kiếm nhà cung cấp thay thế từ các quốc gia khác.

Hơn thế nữa, theo vị chuyên gia này, mặc dù Việt Nam tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng chưa có FTA mà mới chỉ có hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Do đó, việc tăng thuế sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ, khiến hàng may mặc của Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các sản phẩm từ Ấn Độ và Bangladesh – những quốc gia được hưởng mức thuế quan thấp hơn.

Trước những thách thức như vậy đang đòi hỏi các DN dệt may nội địa cần hành động ngay, có những điều chỉnh chiến lược, thay đổi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Như trong ngắn hạn, theo đại diện một DN chuyên XK dệt may sang Mỹ cho biết đang tích cực phối hợp với người mua và đối tác để hiểu rõ và tuân thủ các chính sách thuế quan. Ưu tiên trước mắt của DN là đẩy nhanh các lô hàng theo hợp đồng hiện có trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc.

Phía DN này cũng đang đẩy nhanh đầu tư vào khả năng truy xuất nguồn gốc và đa dạng hóa danh mục thị trường để giảm phụ thuộc vào bất kỳ khu vực nào, cũng như củng cố vị thế toàn cầu của mình.

Hoặc như trong dài hạn, để bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ, theo Phó giáo sư Nayak, ngành dệt may Việt Nam nên ưu tiên các mục tiêu chiến lược dài hạn bao gồm đa dạng hóa thị trường XK và sản phẩm, đầu tư vào công nghệ, sản xuất xanh và tập trung vào các sản phẩm bền vững.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-det-may-can-hanh-dong-ra-sao-de-hoa-giai-bong-ma-thue-quan-cao-1106791.html
Zalo